Trò chuyện Chủ nhật

Hậu COVID-19 không đáng sợ

Chủ Nhật, 03/04/2022, 08:15

Hậu COVID-19 có đáng sợ không, khi nào thì đi khám và ai cần phải khám hậu COVID-19? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Làn sóng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đã gây số ca mắc trong cộng đồng của Việt Nam tăng rất cao, tuy bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, song triệu chứng lại kéo dài. Vấn đề hậu COVID-19 đang được người dân đặc biệt quan tâm, nhiều người đang điều trị COVID-19 nhưng lại tìm kiếm thông tin hậu COVID-19, hoặc vừa khỏi bệnh đã “chạy” đi khám hậu COVID. Nhiều phòng khám, gói khám hậu COVID-19 xuất hiện tràn lan “móc túi” người tiêu dùng.

Hậu COVID-19 có đáng sợ không, khi nào thì đi khám và ai cần phải khám hậu COVID-19? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Hậu COVID-19 không đáng sợ -0
PGS.TS Hoàng Bùi Hải.

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về hội chứng hậu COVID-19? Khi nào thì xuất hiện hậu COVID-19?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải: Theo CDC Hoa Kỳ, COVID-19 cấp tính được tính trong vòng 1 tháng từ lúc khởi phát bệnh, thêm 2 tháng theo dõi tiếp gọi là COVID-19 kéo dài. Ngoài 3 tháng trở ra có các triệu chứng cơ năng, thực tổn, tâm thần không giải thích bằng nguyên nhân khác thì được gọi là hậu COVID-19.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, có hơn 50 triệu chứng hậu COVID-19. Đa số các triệu chứng hậu COVID-19 là các biểu hiện nhẹ, thường gặp gồm: Mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, đau ngực, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng nhận thức, chán ăn, rụng tóc, lo lắng, trầm cảm… Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi khôi phục ban đầu sau đợt COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.

PV: Theo bác sĩ, triệu chứng của hậu COVID-19 ở người mắc biến chủng Omicron so với các biến chủng khác như thế nào? Tiêm vaccine có giúp gì cho hậu COVID-19 hay không?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải: Các nghiên cứu cho thấy, hội chứng hậu COVID-19 gặp ở nhóm từ đầu chưa được tiêm vaccine, đến khi có các biến chủng Anpha, Delta,. Năm 2020-2021, hậu COVID-19 liên quan chặt chẽ đến mức độ tăng nặng của bệnh nhân COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân phải nằm viện, điều trị hồi sức tích cực (ICU) kéo dài. Những bệnh nhân phải điều trị ICU sau 3 tháng thường có hội chứng hậu COVID-19 nặng. Bệnh COVID-19 cấp càng nặng thì hậu COVID-19 càng nặng và kéo dài. Biểu hiện của hậu COVID-19 rất phong phú, để chẩn đoán bác sĩ cần hỏi các triệu chứng COVID-19 cấp tính và các biểu hiện lúc thăm khám để đưa ra yêu cầu xét nghiệm và chẩn đoán, xử trí phù hợp.

Đến giai đoạn hiện nay, khi tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, triệu chứng hậu COVID-19 cũng đỡ đi. Thậm chí, có người đang có biểu hiện hậu COVID-19 mà tiêm vaccine trong thời điểm này, hậu COVID-19 cũng giảm nhẹ hơn. Một số quan sát cho thấy, các triệu chứng dai dẳng không trầm trọng hơn và có thể cải thiện sau khi tiêm vaccine COVID-19. Trong một nghiên cứu, 163 bệnh nhân có các triệu chứng hậu COVID-19 trong 8 tháng, sau đó đã được tiêm vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca, một tháng sau khi tiêm chủng, các triệu chứng tồn tại trước khi tiêm chủng ở phần lớn bệnh nhân đã được cải thiện hoặc không thay đổi, trong khi chỉ có 5% là trở lên tồi tệ hơn.

Nhờ vaccine, cộng thêm chủng Omicron (gây bệnh nhẹ hơn), tôi tin rằng hậu COVID-19 nhẹ hơn trước.

PV: Hiện nay đang có các gói khám hậu COVID-19 tràn lan để “móc túi” người dân, khiến nhiều người đổ xô đi khám. Theo bác sĩ ai cần phải khám hậu COVID-19?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải: Những người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ thì không có lý do gì đi khám hậu COVID-19 cả. Trong 2-3 tháng gần đây, tôi khám cho nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng thông thường, nhưng đến viện trong tình trạng lo lắng. Với những bệnh nhân này, tôi đều khuyến cáo, triệu chứng sẽ hết trong 2 tuần, nên không phải lo lắng và không cần đi khám.

Hiện nay, đang có nhiều bệnh viện khám hậu COVID-19, tuy nhiên chỉ những bệnh nhân từng mắc COVID-19 nặng khi ra viện phải thở oxy về, hoặc điều trị ở phòng ICU giữ được tính mạng thì mới cần đi khám hậu COVID-19. Ngoài ra, người có nguy cơ như bệnh nền, trên 65 tuổi, ung thư, tiểu đường, huyết áp cao… có biểu hiện sốt, ho ra máu, khó thở… thì mới đi khám hậu COVID-19. Triệu chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện ở những người có bệnh nền nặng, người già, ngay cả khi không có COVID-19 thì những đối tượng này cũng phải vào viện thăm khám.

95% người trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng, để 2 tuần là hết, không phải lo lắng, nên không cần đi khám hậu COVID-19 với các gói chụp chiếu, xét nghiệm đắt tiền, lãng phí. Lũ lượt đi khám chỉ tốn tiền mà thôi.

PV: Những bệnh nhân phải đi khám hậu COVID-19 thường phải làm những xét nghiệm và chẩn đoán gì, thưa bác sĩ?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải: Nhu cầu xét nghiệm ở những bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 cấp tính được xác định bởi mức độ nghiêm trọng và kết quả xét nghiệm bất thường trong thời gian bệnh cấp tính và các triệu chứng hiện tại của họ. Hầu hết các bệnh nhân có xét nghiệm bất thường tại thời điểm chẩn đoán đều cải thiện trong quá trình hồi phục. Đối với hầu hết bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 cấp tính nhẹ, không cần xét nghiệm.

Đối với những bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh nặng, những bệnh nhân đã xác định được những bất thường, những bệnh nhân đã xuất viện hoặc những người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được, cần làm các xét nghiệm như công thức máu, sinh hoá máu (điện giải, urê máu và creatinine máu; chức năng gan, albumin), các xét nghiệm chuyên sâu khác:

NT-proBNP, troponin ở những bệnh nhân có diễn tiến phức tạp do suy tim hoặc viêm cơ tim hoặc những người có các triệu chứng tim có thể do viêm cơ tim (ví dụ: khó thở, tức ngực, phù); D-dimer ở bệnh nhân khó thở dai dẳng hoặc mới khó thở không giải thích được hoặc ở bất kỳ bệnh nhân nào có lo ngại về bệnh huyết khối tắc mạch; xét nghiệm tuyến giáp ở những người mệt mỏi hoặc suy nhược không rõ nguyên nhân; Creatinine kinase ở những bệnh nhân bị suy nhược hoặc căng cơ…

Không cần xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính. Ngoài ra, tuỳ vào mức độ nặng mà các bác sĩ sẽ yêu cầu làm điện tim, chụp X-quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, test đi bộ 6 phút.

PV: Vậy, hậu COVID-19 có đáng sợ không, thưa bác sĩ?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải: Những người mắc COVID-19 sau 3 tháng có các triệu chứng đe dọa đến tính mạng như đau ngực, khó thở, liệt nửa người, rối loạn ý thức thì cần tư vấn bác sĩ hoặc tư vấn bác sĩ online, bác sĩ gia đình để vào nhập viện ngay. Bệnh nhân có triệu chứng nào thì điều trị chuyên khoa đó.

Nhiều bệnh nhân đến khám nói rằng tôi, rất sợ hậu COVID-19. Tôi tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 không đáng sợ, xem như bệnh cảm cúm, bởi tỷ lệ tiêm vaccine đã đạt cao, chủng Omicron nhẹ hơn so với một số biến chủng khác. Hậu COVID-19 cũng không đáng sợ, nếu khi phát hiện các triệu chứng trên sau 3 tháng khỏi bệnh, chúng ta đến bệnh viện thăm khám để điều trị.

Với những người trẻ đã tiêm đủ liều vaccine, không bệnh nền, cộng với chủng Omicron thì không có hậu COVID-19 nặng nề nên không đáng lo ngại. Chúng ta không lo lắng quá mức, biểu hiện của COVID-19 kéo dài là do người bệnh lo lắng (bệnh nhân nữ nhiều hơn). Theo dõi 3 tháng, nếu biểu hiện lo lắng vẫn còn thì đi khám.

PV: Thưa bác sĩ, bao lâu thì triệu chứng hậu COVID-19 mới hết?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải: Thời gian để giải quyết triệu chứng dường như phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trước đó cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính và các triệu chứng mà bệnh nhân phải trải qua. Những bệnh nhân cần nhập viện, những bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh nền, những bệnh nhân đã trải qua các biến chứng y khoa (viêm phổi do vi khuẩn bội nhiễm, huyết khối tĩnh mạch) và những bệnh nhân phải nằm viện hoặc hồi sức tích cực kéo dài sẽ cần có một đợt hồi phục dài hơn.

Nhìn chung, thời gian phục hồi các triệu chứng ngắn hơn (khoảng 2 tuần) đối với những người bệnh nhẹ và thời gian phục hồi lâu hơn (từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn) với những người bệnh nặng hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.