Hành trình bền bỉ vận động hiến máu cứu người
Bị hiểu lầm là đi “bán máu”, bị phụ huynh đuổi đánh vì vận động con họ hiến máu, hoặc bị bố mẹ la mắng “cơm không đủ ăn, sao còn đi hiến máu”…là những hình ảnh thường thấy khi những “thủ lĩnh” đầu tiên của phong trào hiến máu nhân đạo đi vận động hiến máu vào giữa những năm 1990.
Nhưng sau 30 năm, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội trở thành một tổ chức tình nguyện lớn mạnh, vận động hàng triệu lượt người tham gia hiến máu, có rất nhiều tấm gương hiến máu và hiến tiểu cầu 100 - 200 lần.
Gặp những “thủ lĩnh” đầu tiên của phong trào hiến máu nhân đạo Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội vào ngày 21/1, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi họ là những tấm gương bền bỉ hiến máu cứu người. TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội cho biết: Trước năm 1994, nguồn máu chủ yếu cho điều trị tại Việt Nam từ người bán máu lấy tiền. Nếu cần cấp cứu và điều trị gấp thì huy động người nhà cho máu.
Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đầu tiên – anh Nguyễn Đức Thuận chia sẻ, bản thân anh và các sinh viên lúc bấy giờ cũng vẫn còn mơ hồ về hiến máu tình nguyện nên chưa dám hiến máu. Nhưng, tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhiều ca cấp cứu không còn cơ hội sống sót vì thiếu máu truyền, hoặc những ca bệnh dù có phương pháp điều trị cũng đành bó tay vì không có nguồn máu dự trữ luôn thường trực. Thời điểm đó, đại dịch HIV/AIDS tràn về khiến nguy cơ không đảm bảo an toàn khi truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra, bởi vậy, các thầy thuốc đầu ngành huyết học, nhóm sinh viên y khoa đã nghĩ đến việc vận động hiến máu.
Năm 1993, một nhóm sinh viên y khoa 13 người, trong đó có sinh viên Nguyễn Đức Thuận, Trần Ngọc Quế, Ngô Mạnh Quân… đã xin với GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đề tài nghiên cứu khoa học về việc cho các bạn sinh viên tham gia vận động hiến máu.
Ngày 24/1/1994, Viện Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) đã tổ chức phát động hiến máu nhân đạo. Cũng chính ngày này, Hội Máu khởi đầu từ 13 sinh viên y khoa với tên gọi sơ khai ban đầu là Câu lạc bộ Học sinh, sinh viên hoạt động nhân đạo ra đời và đã đứng ra tổ chức thành công Ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên của Việt Nam. GS.TSKH Đỗ Trung Phấn nhớ lại: “Ngày đầu tiên phát động chỉ được 30 đơn vị thôi, nhưng rất quý rồi, vì có thể giúp được cho Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức thực hiện phẫu thuật…”.
Theo chia sẻ của các “thủ lĩnh”, việc vận động ngày đó vấp phải muôn vàn khó khăn. Người dân rất kỳ thị với hiến máu, còn có định kiến cho rằng hiến máu gây hại cho sức khoẻ; hiến máu là mất đi sự may mắn; giọt máu đào thì chỉ hiến cho người thân… “Khi đến vận động một bạn sinh viên hiến máu, nhóm chúng tôi còn bị phụ huynh mắng mỏ, đuổi đánh”, TS Trần Ngọc Quế kể. Còn anh Thuận thì chia sẻ, thời ấy, mọi người không chỉ nghĩ đi hiến máu là bán máu, thậm chí khi các sinh viên y khoa đi vận động hiến máu, người dân còn hỏi rằng “chuẩn bị đi hút máu à?”.
Để xua tan định kiến của người dân, nhóm sinh viên y khoa bàn nhau, hiến máu trước cho mọi người chứng kiến. Khi hiến máu xong, mọi người đều cảm nhận “cũng bình thường thôi!”. Những người chứng kiến thấy thế, cũng bớt sợ hãi và bớt kỳ thị dần. Khi vận động được ai hiến máu là cả nhóm mừng rỡ, đạp xe chở họ đến Viện Huyết học – Truyền máu để hiến máu.
Từ buổi ban đầu chỉ với 13 sinh viên y khoa, sau 30 năm, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã trở thành tổ chức tình nguyện lớn mạnh, thu hút hàng vạn thanh niên, sinh viên tham gia, là khởi nguồn của mô hình thanh niên vận động hiến máu trên cả nước. Hiện Hội có 4.000 thành viên hoạt động thường xuyên, có cơ sở tại 78 trường đại học, cao đẳng trên toàn Thủ đô. PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trong 30 năm, Hội đã phối hợp với Viện Huyết học và các đơn vị, cơ quan, trường học vận động, tuyên truyền và tổ chức tiếp nhận được hơn 750.000 đơn vị máu. Những giá trị này đối với xã hội là vô giá, bởi đó là hy vọng sống, hạnh phúc, niềm tin của người bệnh.