Hàng nghìn người cai nghiện thuốc lá thành công
Hơn 90% người hút thuốc lá mắc ung thư phổi, gần 90% trường hợp hút thuốc lá mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp nhiều lần so với người không hút... Cai nghiện thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng (56 tuổi, Hà Nội) có tiền sử hút thuốc lá 25 năm nay. Ông Hùng có bệnh nền huyết áp cao, đái tháo đường, nhiều lần nhập viện vì ho, viêm phổi. “Tôi đã tự cai thuốc 2 lần nhưng đều nghiện lại. Rất muốn cai thuốc triệt để nhưng không vượt qua chính mình và tái lại”, ông Hùng chia sẻ.
Sau khi biết Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương có phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá, ông Hùng đã tìm đến. Sau hơn 2 tháng được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc, ông đã cai nghiện thuốc lá thành công. “Mỗi ngày không phải bỏ tiền mua thuốc lá, sức khoẻ lại tốt hơn, nhất là tôi không còn ho, khạc đờm như trước, cả nhà đều thở phào”, ông Hùng cho biết thêm.
Tương tự, anh Phạm Văn Nghĩa (40 tuổi, Hà Nội) cho biết, anh hút thuốc lá từ khi còn đi học đại học. Đến nay, anh đã “nghiện nặng”, mỗi ngày hút từ 1 đến 1,5 bao. “Tháng trước trong gia đình có người phải nhập viện vì ung thư phổi, cũng có tiền sử hút thuốc lá 30 năm, nên tôi quyết tâm cai thuốc”.
Anh Nghĩa đã tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương để được tư vấn cai thuốc. Dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ, sau hơn 1 tuần, anh Nghĩa đã “cắt” được “cơn nghiện” và đang tiếp tục dùng thuốc của bệnh viện để cai hoàn toàn. “Mới đầu bồn chồn, nhạt miệng, khó chịu lắm, nhưng phải quyết tâm, nếu không cai thì chính mình, rồi người thân bên cạnh mình bị ảnh hưởng sức khoẻ”, anh Nghĩa cho biết.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, từ năm 2015, dưới sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, bệnh viện đã thành lập Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh. Do nhu cầu bệnh nhân đến tư vấn cai nghiện thuốc lá ngày một đông nên bệnh viện đã thành lập thêm 1 phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện vào năm 2019. Đến thời điểm hiện tại bệnh viện đã cai nghiện thuốc lá thành công cho hàng nghìn bệnh nhân nghiện thuốc lá trong và ngoài nước.
Bệnh nhân khi đến cai nghiện thuốc lá sẽ được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng hai phương pháp: Dùng thuốc và không dùng thuốc.
Phương pháp không dùng thuốc, bác sĩ sử dụng nhĩ châm kết hợp phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng. Nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra. Còn phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng để hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.
Đối với phương pháp dùng thuốc, bệnh nhân được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm BTL/trà nhúng BTL nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho bệnh nhân. Bên cạnh hội chứng cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.
Hiện nay, 2 phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả rất cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng. Tuy nhiên thành công cai thuốc lá phụ thuộc rất lớn vào ý chí vào sự "quyết tâm cai thuốc" của bản thân người hút thuốc lá.
Thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng, vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, hãy từ bỏ thuốc lá ngay từ hôm nay vì sức khỏe của chính mình và những người thân.