Hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống nếu tăng nguồn tạng hiến từ người chết não

Thứ Hai, 22/11/2021, 17:10

Làm thế nào để vận động, kêu gọi được nguồn tạng hiến từ người chết não nhằm giúp hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải tính tới để thay đổi nhận thức cộng đồng, tăng nguồn cung tạng... 

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục ghi các dấu ấn mới vào bản đồ ghép bộ phận cơ thể người của thế giới như ghép tim, phổi, chi thể… Đây là những kỹ thuật khó mà không phải quốc gia nào cũng đạt được. Tuy nhiên, một thực tế là nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn, nhưng nguồn tạng hiến còn khan hiếm, đặc biệt là tạng hiến từ người chết não. Trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết do ngưng tim, thì ở Việt Nam nguồn mô tạng ghép chủ yếu vẫn từ người cho sống.

Làm thế nào để vận động, kêu gọi được nguồn tạng hiến từ người chết não nhằm giúp hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải tính tới.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
Khách mời tham dự tọa đàm “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở”.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin hữu ích và góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng, Báo CAND tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở”.

Khách mời tham dự buổi tọa đàm gồm: GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; GS.TS Nguyễn Quốc Kính - Nguyên Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch hội Gây mê Hồi sức Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Minh Hà.

Về phía Báo Công an Nhân dân có Đại tá, Nhà văn Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban Báo Điện tử CAND cùng đại diện lãnh đạo Ban Điện tử và phóng viên, biên tập viên của Báo CAND.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Phạm Khải cho biết: Thực tế cho thấy, nhu cầu ghép tạng ngày càng lớn trong khi nguồn cung khá hạn hẹp. Trong khi ở các nước phát triển có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết do ngưng tim, thì ở Việt Nam nguồn mô tạng ghép chủ yếu vẫn từ người cho sống.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
Đại tá, Nhà văn Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND phát biểu tại tọa đàm.

Làm thế nào để vận động, kêu gọi được nguồn tạng hiến từ người chết não nhằm giúp hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải tính tới để thay đổi nhận thức cộng đồng, tăng nguồn cung tạng.  Đặc biệt, về mặt kĩ thuật, cần nhận thức, xác định rõ hơn tình trạng chết não, “thời gian vàng” của việc lấy tạng từ người cho chết não… để ghép tốt nhất, hiệu quả nhất cho người được ghép tạng.

Nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng, Báo CAND tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở”.

Dưới đây là nội dung tọa đàm.

PV: Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam, nguồn hiến tạng hiện nay chủ yếu là từ người cho sống, nhưng ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não. Thưa GS Trịnh Hồng Sơn, xin GS có thể cho biết nhu cầu ghép mô/tạng ở nước ta hiện nay như thế nào? Số người đăng ký hiến mô/tạng ở nước ta và tỷ lệ ghép mô/tạng thành công ở nước hiện nay?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Một trong những thành tựu y học nổi bật của thế kỷ 20 là ghép tạng. Ghép tạng đặc biệt ở chỗ đây là phương pháp duy nhất để cứu sống con người, còn nếu có nhiều phương pháp khác để cứu sống thì cũng chưa chắc ghép tạng đã được tôn vinh như vậy.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
GS.TS Trịnh Hồng Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Từ nhiều năm nay, tôi được giao nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, nhưng tôi thấy mình vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ; chưa hoàn thành ở chỗ là làm sao phải thu được nhiều nguồn tạng hơn để ghép. Hiện nay, có rất nhiều người bệnh hàng ngày, hàng giờ đã ra đi vì không có tạng để được ghép.

Theo thống kê, trong vòng 2 năm qua, số lượng chờ ghép tạng tương đối lớn, gần 8.789 người cần ghép thận, 407 người đang cần ghép gan, 110 người đang cần ghép tim, 79 người đang cần ghép phổi, 189 người đang cần ghép tụy, 55 trường hợp đang cần ghép ruột. Những con số này cho thấy chúng ta cần một lượng lớn tạng để cứu sống người bệnh.

Vấn đề đặt ra cho tôi cũng như các giáo sư trong lĩnh vực này là cần giảm tỷ lệ “người cho sống”, tăng tỷ lệ “người cho chết”. Từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu nào, một thông báo nào nói rằng người chết não sống được. Bởi vì chết não là chắc chắn chết. Nếu người bệnh mà sống thì cũng chỉ được 3- 4 ngày là ra đi. Nên việc hiến tạng của người chết não là rất cần thiết để cứu sống những người cần tạng thay thế.

Vì vậy việc lan tỏa các thông tin hữu ích liên quan đến việc hiến tạng của người chết não là rất cần thiết.

PV: Thưa GS Nguyễn Quốc Kính, đề nghị ông giải thích rõ hơn thế nào là chết não. Chẩn đoán một ca chết não cần dựa trên các tiêu chuẩn nào?

GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Ngay trong giới y học chưa nhiều người hiểu rõ. Chết có hai loại, một là chết lâm sàng, khi tim phổi ngừng đập nhưng sử dụng biện pháp y học để hồi phục lại, loại thứ hai là chết sinh vật, chia làm hai loại chết tim và chết não. Trong đó, chết não là chết, thành thi hài, không sống lại được, và trên thực tế chưa trường hợp nào sống được. Não chia làm hai vùng: Vỏ não là nơi để tư duy, suy nghĩ; còn dưới vỏ não là nơi chỉ huy vùng trung tâm, chỉ huy tim mạch, chức năng sống. Chết não là chết cả não, chết cả vỏ lẫn dưới vỏ. Chết vỏ não dưới mà vẫn sống là sống thực vật, vẫn thở nhưng không hiểu biết gì, do bệnh, do tai biến không thể hiến tạng được.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
GS.TS Nguyễn Quốc Kính.

Làm sao để khẳng định người chết vỏ não và dưới vỏ não thì cần lâm sàng để đánh giá. Biện pháp đó để chứng tỏ bệnh nhân không còn tư duy nữa, hôn mê sâu, mất hết các phản xạ dưới vỏ. Ví dụ như cố gắng nhịn thở thì khí CO2 tăng lên như người bình thường nhưng người chết não thì không thể. Đánh giá chết não ở Việt Nam là não không hoạt động, điện não không có, chụp não không có máu lên não; vỏ não và dưới vỏ đã chết rồi. Ở Việt Nam khi đã chuẩn đoán chết não rồi thì không thể nhầm được và bệnh nhân không thể sống được.

PV: Nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não trên thế giới ra sao?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Khi trao đổi với các bạn Mỹ, Nhật và Pháp, sự thật là các bạn đánh giá kỹ thuật ghép của ta không hề thua kém. Chúng ta đi sau nên có thể học hỏi kỹ thuật, trang thiết bị của mình cũng rất tốt. Thống kê đến ngày 30/9/2021, Việt Nam ghép thận tổng cộng 5.729 ca, ghép gan 316 ca, ghép tim 54 ca, ghép phổi có 8 ca, rất tiếc là một ca sau đó chết não. Có một số kỹ thuật chúng ta chưa làm được, ví dụ như ghép mật, tử cung, nhưng ghép tim, phổi, chúng ta làm rất tốt.

Quay lại câu chuyện nguồn mô, tạng từ người cho chết não, tại Mỹ, 50-80% nguồn tạng là từ người cho chết não; ở Châu Âu hơn 90%. Tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 8%, chủ yếu nguồn tạng từ người cho sống. Nguồn tạng cho chết não đến từ 2 nguồn, từ tai nạn giao thông và bệnh lý. Chúng ta tất nhiên không vui mừng với điều đó, chúng ta cần hạn chế tai nạn, hạn chế những bệnh lý liên quan đến não như nhồi máu não, những bệnh của mạch não, nhưng đó là thực tế và chúng ta cần tận dụng được nguồn tạng này để cứu sống người khác.

PV: Là một người trẻ và đã đăng ký hiến tạng, trước khi quyết định, Minh Hà có tìm hiểu về việc hiến tạng ở Việt Nam và trên thế giới không?

Nhà báo Nguyễn Minh Hà: Trong quá trình công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, tôi cũng được nghe nói đến việc hiến tạng và nhu cầu hiến tạng. Tôi đã từng được nghe một câu chuyện của khán giả về trường hợp một em bé ở Hà Nội sau khi tử vong đã hiến giác mạc cho người đang cần. Đó là trường hợp bé Hải An, không chỉ tôi mà mọi người nghe đều xúc động. Khi biết đến câu chuyện của Hải An, được sự vận động của các nhà báo tham gia buổi chia sẻ ngày hôm đó tại Đài truyền hình Việt Nam, tôi cùng mọi người đã đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
Nhà báo Nguyễn Minh Hà (bìa trái).

Cùng với sự vào cuộc của truyền thông và báo chí, câu chuyện của bé Hải An đã lan tỏa điều nhân văn, những thông tin về hiến tạng đã nhiều hơn và mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn các thông tin đó. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn bè, người thân lẫn những khán giả không quen biết. Mọi người cũng gửi thư về cho mình và thường hỏi cách thức làm như thế nào để đăng ký hiến tạng và liệu họ có thể đăng ký được hay không và đăng ký tại đâu?

Xung quanh chúng ta có rất nhiều người muốn hiến tạng nhưng đơn giản là họ không biết cách và họ không hề biết rằng việc đó cực kỳ đơn giản và không hề tạo ra bất kỳ một trở ngại nào với cuộc sống của chính mình, mà nó còn làm cho chúng ta sống một cách trách nhiệm hơn. Ví dụ như bản thân tôi, sau khi đăng ký hiến tạng, tôi cảm thấy tự hào và cảm thấy mình có nghĩa vụ, có trách nhiệm giữ gìn cơ thể của mình được toàn vẹn và được khỏe mạnh bởi vì biết đâu sẽ có những người cần tới mình trong một hoàn cảnh nào đó. Mong là sau buổi tọa đàm này thì sẽ có thêm nhiều cá nhân hiểu rõ hơn về việc hiến tạng để chúng ta có thể cứu sống thêm nhiều người hơn nữa.

PV: Tại sao nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não lại quan trọng. Tỷ lệ người chết não ở Việt Nam hiện nay như thế nào và thực tế con số tạng hiến từ nguồn chết não ra sao?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Nguồn cho chết não khẳng định ngày nào cũng có, từ bệnh viện trung ương, địa phương, hạng 1, hạng 2, tuyến y tế cơ sở đều có. Cách đây 1 năm 2 ngày, tức là ngày 20/11/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký một văn bản tất cả bệnh viện từ trung ương đến địa phương có đủ điều kiện thì phải thành lập Hội đồng chết não. Khi có người chết não, phải báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, về Bộ Y tế. Sẽ có những đơn vị xuống vận động, có những văn bản hiến mô tạng.

Nhưng trước hết phải xác định bệnh nhân chết não. Sau khi người dân hiểu biết rồi thì phụ thuộc vào người dân. Người chết não thì mới cho tạng được chứ.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -1
Các biên tập viên, phóng viên Báo Điện tử CAND tại buổi tọa đàm.

PV: Minh Hà có lăn tăn gì trước khi đăng ký hiến tạng không?

Nhà báo Nguyễn Minh Hà: Mình rất biết ơn bố mẹ đã sinh ra mình. Nhưng khi qua 18 tuổi, mình có toàn quyền quyết định và mình đã đưa ra quyết định đó. Khi quyết định hiến tạng, mình không có gì băn khoăn, nhưng cầm trên tay tấm thẻ tự nguyện hiến tạng, có một thứ khiến mình lăn tăn đó là làm thế nào để những người xung quanh mình, anh chị em mình, khán giả của mình cũng đăng kí để có tấm thẻ ấy, để mang đến cơ hội sống cho những người bệnh!

Để lan toả và nhân rộng điều đó, chúng ta cần chính sách. Ở châu Âu, tôi nhớ là gần như 100% người chết não vì TNGT sẽ được cơ quan y tế toàn quyền sử dụng tạng để ghép cho người khác, trừ khi họ trước đó có đơn không đồng ý hiến tạng.

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn: Đúng như vậy, ở Châu Âu, ai trên 18 tuổi mà đồng ý hiến mô tạng thì không cần đăng kí, ai không đồng ý hiến tạng khi qua đời mới cần đến cơ quan chức năng đăng kí, để đến khi họ chẳng may qua đời thì cơ sở y tế biết rằng họ không muốn hiến tạng. Việt Nam mình ngược lại, ai muốn hiến thì cần đăng kí.

Có một thực tế là phần lớn mô tạng được hiến tại Việt Nam không tới từ người đăng kí hiến tạng mà do người thân những người không may chết não đồng ý hiến. Còn một bất cập là việc chẩn đoán chết não cần làm tới 3 lần, cách nhau 6 tiếng và cần hồi sức liên tục. Như vậy tốn kém và có thể khiến tạng cho bị suy, ảnh hưởng chất lượng nguồn tạng.

PV: Bộ Công an đang đẩy nhanh tốc độ cấp CCCD gắn chíp. Biết đâu một ngày, việc đăng kí hiến tạng có thể tích hợp luôn trên CCCD? 

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Nếu vậy thì quá tốt!  

P.V: Như chia sẻ của các vị chuyên gia, nguồn hiến mô, tạng từ người chết não đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỉ lệ người hiến tặng mô tạng còn thấp, trong đó có lý do được cho là liên quan đến các quan niệm về cái chết. Hiện có rất nhiều người bệnh nặng tử vong do không chờ được tạng hiến, song quan niệm “chết phải toàn thây” đã khiến cho công tác vận động hiến mô/tạng ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn. GS.TS Nguyễn Quốc Kính có đánh giá thế nào về điều này?

GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Theo tôi biết thì tất cả các tôn giáo đều ủng hộ việc hiến tạng. Còn liên quan đến việc trong cộng đồng người Việt và trong xã hội là khi chết phải toàn thây thì tôi nghĩ đây là quan niệm không chính thống. Chẳng hạn như người ta bảo là trần sao âm vậy, tức ở dưới âm thì cũng phải sống như người trần. Đấy là mê tín. Về tôn giáo, đạo Phật cũng nói là “cứu một người phúc đẳng hà sa”, “cứu một người phúc nhiều như cát ngoài sông”, “cứu một người còn hơn xây 7 tòa tháp”. Rất nhiều những câu như thế. Theo tôi biết thì rất nhiều các tăng ni đã đăng ký hiến tạng.

Theo quan niệm của nhiều tôn giáo, người chết sẽ trở về với cát bụi thì rõ ràng là người ta đánh giá cao cái giá trị của linh hồn chứ không phải là thể xác. Họ cũng nói là khi người chết thì làm sao toàn thây được? Đã chết rồi thì những cái như là tim, gan, mật, tụy đều không thể toàn thây được. Một trong những vấn đề liên quan đến tuyên truyền thì chắc chắn là chúng ta phải quan tâm đến vấn đề này. Giới y học nói có thể chưa có tác dụng cao, nên chúng ta khuyến khích các vị chắc sắc tôn giáo đưa ra các thông tin tích cực trong việc hiến tạng, sẽ thích hợp và hiệu quả hơn.

P.V: Hiện nay người đăng ký hiến tạng không còn hiếm, nhưng có người khi còn sống đăng ký hiến tạng, đến khi chết người nhà lại không đồng ý. Hơn nữa, việc vận động thân nhân người chết não hiến tạng cực kỳ khó khăn. Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, để “cởi bỏ” rào cản này, chúng ta cần giải pháp gì?

GS Trịnh Hồng Sơn: Tôi có đăng ký hiến tạng cho một người bạn, tôi hỏi là bạn đăng ký thế này thì vợ bạn phải cùng đến. Bạn tôi trả lời “Tại sao tạng của tôi mà vợ tôi phải đồng ý?”. Những buổi tuyên truyền như vậy sẽ giúp xã hội, tầng lớp nhân dân hiểu hơn để khi đó, người thân sẽ không cản trở nữa.

Khó khăn nhiều, thuận lợi nhiều. Thuận lợi ở đây là các bạn rất nhiệt tình. Có 8 nhiệm vụ, một trong đó là tuyên truyền, vận động. Khi đến các cơ sở, nhà máy xí nghiệp, cứ nói chết não lúc đầu đông sau lại rất vắng. Nhưng khi nói làm sao chống ung thu cổ tử cung, dạ dày, đại trạng suốt một tiếng hay tiếng rưỡi và nói về hiến tạng 5 phút thôi thì số người đăng ký lại đông.

Thứ hai, Trung tâm Điều phối Ghép tạng trực thuộc Bộ Y tế đã có cơ sở đâu, đang phải nhờ Bệnh viện Việt Đức. Tuyên truyền phải làm tốt hơn nữa. Cơ quan, đoàn thể được biết là nếu phát triển ghép tạng thì phát triển cả kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Có những người đáng lẽ phải ra đi nhưng được sống, nên người ta giúp cho xã hội được rất nhiều, người ta có thể làm ra tiền, của cải, tri thức cho xã hội, nhờ có hiến tạng mà vẫn cống hiến và giữ vai trò chủ chốt trong xã hội…

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
Các vị khách mời chia sẻ thông tin bổ ích về hoạt động hiến tạng.

GS Nguyễn Quốc Kính: Có một tài liệu mới xuất bản nước ngoài trong tháng vừa rồi của một tác giả người Úc thì yếu tố chính là do gia đình. Chỉ 40-50% gia đình biết người thân của mình tự nguyện hiến tạng. Nên tôn trọng ý nguyện người thân của mình.

P.V: Xin GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết những khó khăn khi vận động hiến tạng từ người cho chết não của các cán bộ ở Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Có câu chuyện nào đặc biệt mà ông có thể chia sẻ được không?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Như trên tôi đã nói, khó khăn nhiều, nhưng thuận lợi cũng nhiều. Thuận lợi là các bạn ở đây ủng hộ chúng tôi, nhưng công tác vận động nói thật là rất khó khăn. Khi tuyên truyền vận động từ các xí nghiệp, nhà máy... thay vì giải thích thế nào là chết não, tôi đã nói làm sao chống được ung thư dạ dày, ung thư đại tràng... và chỉ dành 5 phút cuối cùng nói về hiến tạng thì số người đăng ký đã rất đông. Vì thế nên mọi người cũng nên thay đổi cách tuyên truyền.

Việc tuyên truyền hơn nữa cho cơ quan, người dân hiểu việc ghép tạng cũng chính là góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Bởi những người đáng lẽ đã chết nhưng được cứu sống. Họ đã làm ra của cải giúp ích cho xã hội rất nhiều, đóng góp cho đất nước, phát triển kinh tế. 

P.V: Trong đại dịch COVID-19, có bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã phải tính tới việc ghép phổi cho bệnh nhân này. Trong bối cảnh đó, nguồn tạng hiến có sẵn hay chúng ta phải chờ đợi?

GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Trước khi trả lời câu hỏi này, thì tôi cũng phải đưa lại câu hỏi mà vừa nãy GS Trịnh Hồng Sơn nói về việc là có người đồng ý hiến nhưng mà người nhà lại không đồng ý. Có một tài liệu nước ngoài mới xuất bản cho thấy nguyên nhân chính việc không đồng ý hiến tạng là từ phía gia đình. Một trong những nguyên nhân đó là gia đình không biết được người hiến tạng đã có phiếu hiến tạng. Còn nếu như gia đình đã biết trước ý nguyện của người hiến thì 90% là đồng ý. Chúng ta thường có xu hướng là theo ý nguyện của người hiến.

Quay lại câu hỏi phi công người Anh bị COVID-19 cần ghép phổi có một vấn đề đặt ra là để hiến tạng cho một người nước ngoài cần lưu ý: Kích thước phổi của người Việt có vừa với kích thước của họ không; thứ 2 là nhóm máu A, B, O. Cho nên chọn một cái phù hợp không phải là dễ. Chúng tôi cũng có những tiêu chuẩn như cần tìm một người chết não phù hợp, mà trong điều kiện người chết não thì chúng ta không có nhiều cho nên cũng cần sẵn thông tin những người chết não phù hợp.  

P.V: Dịch bệnh COVID-19 đã có ảnh hưởng như thế nào tới việc vận động, hiến, ghép mô tạng nói chung và hiến tạng từ người cho chết não nói riêng ở Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: COVID-19 đang hoành hành nên việc tập hợp hạn chế, bởi vậy nên đã có chương trình đào tạo trực tuyến ngoài Trung tâm, tôi cũng có thể mở lớp học, buổi tuyên truyền cho những ai quan tâm. Và những buổi giảng dạy kết hợp tuyên truyền thì sẽ càng có giá trị hơn.

Tọa đàm trực tuyến “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở” -0
Đại tá, Nhà văn Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban Báo Điện tử CAND tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm.

Hiến tạng là một nghĩa cử vô cùng nhân văn. Để vận động, kêu gọi được thêm nhiều các cá nhân hiến tạng thì vấn đề tuyên truyền là yếu tố không thể không nhắc tới. Bên cạnh đó, vai trò của các bệnh viện tuyến cơ sở trong công tác chẩn đoán chết não và là vệ tinh trong quá trình điều phối Ghép tạng tại Việt Nam hiện nay cũng cực kỳ quan trọng.

PV: Làm thế nào để thúc đẩy nguồn tạng hiến từ người cho chết não? Chúng ta cần sửa đổi, bổ sung về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động hiến, lấy, ghép tạng hay không?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Tôi cho rằng có một số yếu tố cần thay đổi. Ví dụ hiện nay, để chẩn đoán một người chết não cần cả Hội đồng có rất đông thành phần, trong đó có bác sĩ pháp y. Bác sĩ pháp y không phải bệnh viện nào cũng có và tôi cho rằng không thật sự cần thiết. Để chẩn đoán chết não cần test ba lần, cách nhau 6 giờ. Tôi cho rằng cần một đến hai lần là đủ, nhiều lần sẽ tốn kém và khiến nguồn tạng bị suy.

Tôi cũng cho rằng cần mở rộng đối tượng được phép hiến, cho tạng để tăng nguồn tạng, cứu sống nhiều người hơn. Ví dụ cho phép người trên 65 tuổi được hiến tạng. Tạng người trên 65 tuổi có thể ghép cho người trên 65 tuổi.

P.V: Chúng ta cũng có thể bổ sung các quy định để khi ai đó đến đăng kí làm một thủ tục tại một cơ quan nào đó, người ta có thể hỏi họ luôn: Anh có đồng ý hiến tạng không?

GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Để tăng nguồn tạng hiến, về mặt y tế, cần tăng đối tượng có thể hiến tạng. Chúng ta chưa có luật cho phép trẻ em được hiến tạng. Về quy định tạng của người chết não, tôi cho rằng chúng ta cần quy định phù hợp để tận dụng tốt hơn nguồn tạng. Tại Mỹ gần đây có một làn sóng phê bình khi ngành y tế của họ đặt ra yêu cầu quá cao với tạng cho, trong khi tại Pháp, quy định lại cởi mở hơn, không cần tới mức đó vẫn ghép được, vẫn tốt, vẫn cứu sống bệnh nhân.

Chúng ta cũng cần thay đổi chính sách để rút ngắn thời gian cho tạng. Như quy định hiện nay thì cần tới 12 giờ đồng hồ mới có thể ra quyết định. Rất không cần như thế. Tôi tham gia hồi sức nhiều bệnh nhân, nhưng sau 12 giờ, nhiều tạng không còn sử dụng được.

Nhà báo Nguyễn Minh Hà: Câu chuyện cho, hiến tạng luôn đi thẳng tới trái tim và tôi cho rằng câu chuyện ấy cần được lan toả. Những người may mắn được nhận tạng hiến, họ có thể trở thành những KOL trong đời sống thực. Họ có thể chia sẻ câu chuyện của mình để thuyết phục người khác. Tôi được biết có người ghép xong, họ chung sống mạnh khoẻ 30 năm với phần cơ thể người khác, có người sinh con, có người trở thành quản lý, đó là những câu chuyện rất thật!

Với những ai đã đăng kí hiến tạng, hãy chia sẻ câu chuyện ý nghĩa của mình, hãy lan toả để mọi người hiểu, tôn trọng quyết định ấy. Và nếu một ngày nào đó có một tình huống nào đó xảy ra, tâm nguyện của mình sẽ được tôn trọng, được đáp ứng kịp thời nhất.

Hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống nếu tăng nguồn tạng hiến từ người chết não -0
Các đại biểu dự tọa đàm.

P.V: Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bệnh viện trực thuộc BHYT và bệnh viện đa khoa các tỉnh thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não và đưa vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả người bệnh nặng xin về và xuất viện. Qua một năm triển khai, việc thực hiện ở bệnh viện các địa phương đến nay ra sao?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Hầu hết các bệnh viện chưa thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não. Tôi là một bác sĩ và bất kì một bác sĩ nội khoa, chuyên khoa nào, khi trực cấp cứu mà có bệnh nhân hôn mê không cử động được, mất hết các phản xạ thì chính bác sĩ đấy phải biết bệnh nhân chết não rồi. Mỗi một bác sĩ chỉ cần nói với gia đình người bệnh nhưng cũng phải rất tế nhị. Bởi có một số người nói, bệnh nhân chưa chết mà đã vận động hiến mô tạng. Vì vậy, bác sĩ chúng tôi có ai dám nói đâu? Bác sĩ nói thì người nhà nghĩ phản cảm vì chưa cứu chữa mà lại bảo cho tạng.

Ở nhiều nước có bộ phận riêng, mỗi bệnh viện đều có phòng công tác xã hội. Họ được được đào tạo để tiếp xúc với gia đình, xem gia đình có cho hiến tạng không.  Ví dụ ở Pháp, người già cho người già, người trẻ cho người trẻ. Như vậy rất có ý nghĩa. Nhưng chúng ta chưa hiểu được điều này và còn khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động.

P.V: Thưa GS.TS Nguyễn Quốc Kính, chúng ta cần có những thay đổi như thế nào trong công tác tuyên truyên để nâng cao nhận thức trong cộng đồng lan tỏa việc làm nhân văn này?

GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Chúng ta biết công tác tuyên truyền rất quan trọng, muốn ghép phải có người hiến, chủ yếu người chết não, sau này có thể là người chết tim, có nghĩa là sau khi chết rồi vẫn có thể ghép được một số tạng. Như buổi toạ đàm hôm nay cũng là buổi tuyên truyền có sức lan tỏa lớn. Cộng đồng phải hiểu thế nào là chết não, chết não là chết, tích cực cũng chỉ được 1 - 2 ngày sau là tim ngừng đập. Chúng ta phải tuyên truyền mở rộng nhiều đối tượng, kể cả người trong giới y khoa, cả cộng đồng… Tuyên truyền cần rộng hơn, sâu hơn. Có những bài học từ lớp 1, lớp 2 vẫn còn nhớ. Nếu những bài học về chết não, hiến tạng như vậy thì rất tốt. Ngay cả trong chương trình y khoa vẫn chưa biết nhiều về chết não, ta phải tìm xem do rào cản nào để có thể phá rào cản đó.

P.V: Xin GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết vai trò của các bệnh viện tuyến cơ sở trong công tác chẩn đoán chết não và là vệ tinh trong quá trình điều phối Ghép tạng tại Việt Nam hiện nay?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Tôi rất là buồn, xin phép đổ tại COVID-19 vậy. Hầu như các bệnh viện chưa thành lập hội đồng chuẩn đoán chết não, kể cả các bệnh viện lớn.

P.V: Thưa GS.TS Trịnh Hồng Sơn, chúng tôi nhận được rất nhiều chia sẻ tích cực từ độc giả về việc hiến tạng. Vậy, để đăng ký hiến tạng, chúng ta cần những thủ tục gì ạ?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Tất cả những ai mong muốn, hãy tới cơ sở ghép tạng để đăng kí. Bản thân cá nhân người đó nếu đăng kí và sau này không muốn cho nữa, cũng không sao cả! Đăng ký hiến tạng là một hành động rất ý nghĩa!

Tôi cũng hi vọng mọi người đừng phản đối người khác cho, hiến tạng.

P.V: Là người của công chúng, bạn có lời nào muốn nhắn gửi tới cộng đồng để vận động các bạn trẻ cũng như người dân hiến mô tạng nhằm sẻ chia sự sống?

Nhà báo Nguyễn Minh Hà: Chúng ta hãy tưởng tượng người nhà mình cần được ghép tạng mà được cộng đồng giúp đỡ thì quý biết nhường nào, thời gian "chờ tạng" được rút ngắn thì cơ hội sống càng được kéo dài. Theo tôi được biết thì Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đã bắt đầu xây dựng ứng dụng trên điện thoại di dộng và sự phát triển công nghệ sẽ giúp lan toả thông tin, việc đăng ký hiến tạng sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Tôi mong qua buổi toạ đàm hôm nay sẽ tiếp tục nhận những thư, tin nhắn hỏi thăm về cách thức đăng ký và làm sao để trở nên hữu ích. Và khi mình nhắm mắt xuôi tay, cuộc sống của mình chấm dứt, nhưng một phần nào đó trong mình vẫn có thể tiếp tục sống có ích cho xã hội. Điều đó thật tuyệt vời. Đó là một cách gián tiếp có thể tạo phúc đức cho gia đình và người thân của mình, đây là điều nhắn nhủ của mình đến những người có niềm tin vào tâm linh.

Cảm ơn Báo CAND đã tạo ra một cơ hội để những khách mời ngày hôm nay được chia sẻ quan điểm của mình.

P.V: Vậy còn GS.TS Nguyễn Quốc Kính, xin ông gửi một vài thông điệp tới quý độc giả của Báo CAND để có nhiều hơn nữa những cá nhân tham gia hiến mô tạng.

GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Tỉ lệ hiến tạng chết não Châu Âu cao hơn hẳn so với Châu Á, nhưng Châu Á có câu nói rất nhân văn: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm sẻ áo”… Vấn đề ghép tạng ở Việt Nam chưa nhiều là điều hơi mâu thuẫn nên vẫn cần tìm cách giải quyết. Tuổi trẻ của chúng ta rất tình nguyện đi đầu như phong trào hiến máu, hiến tạng cũng rất nhiều bạn trẻ đăng ký. Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ là cho tức là nhận, “sharing is receiving”. Hành động hiến tạng là xuất phát từ trái tim và lí trí.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Để tăng cường nguồn tạng hiến có rất nhiều giải pháp. Nhưng điểm mà tôi cho rằng trong thời gian tới nên hướng tới và xử lý được, đó là đưa các thông tin đăng ký hiến tạng vào tích hợp với bằng lái xe. Đây là một cách rất quan trọng, nghĩa là gì? Nghĩa là trong hồ sơ đăng ký bằng lái xe có thể có thêm mẫu đơn đăng ký hiến tạng và chỉ cần người thi bằng lái xe mong muốn được hiến tạng thì họ tích hợp đăng ký vào mẫu đơn đó, và thông tin đó thì sẽ được chuyển về Trung tâm Hiệp hội Hiến tạng Quốc gia và vào trong hệ thống database.

Bên cạnh đó, trên bằng lái xe sẽ tích hợp biểu tượng hình trái tim để cho mọi người biết rằng họ đang mong muốn làm điều đó và được thể hiện trong bằng lái xe. Tôi cho rằng, đây là một cách rất hay, bởi vì bằng lái xe của chúng ta có thể thay đổi 5 năm một lần, hầu như ai đến tuổi trưởng thành cũng thi bằng lái xe cả. Đấy là cách truyền thông tốt nhất, mình tiếp cận thông tin và cũng là cách giúp cho nhiều người mong muốn hiến tạng có cơ hội để tiếp cận cơ hội đăng ký chứ không phải đến cơ sở y tế nữa.

Nội dung này cũng không còn mới lạ vì nhiều nước trên thế giới cũng đã tích hợp rồi. Và nếu không may, vô thường tới hoặc gặp phải biến cố nào đó ở ngoài đường chẳng hạn, lực lượng CSGT sẽ là người tiếp cận hiện trường đầu tiên. Họ sẽ biết được ngay đó là người hiến tạng để thực hiện tâm nguyện. Nếu được thì có thể tích hợp sửa đổi hệ thống luật về điều phối hiến tạng quốc gia, Luật hiến tạng cũng như Luật an toàn giao thông.

Thứ hai, về tâm nguyện hiến tạng của mỗi người dân có nghĩa là họ muốn hiến mở rộng cơ hội cứu sống nhiều người khác mà không phải là một cá nhân cụ thể nào. Khi tâm nguyện lớn như vậy mình hãy nghĩ tạng hiến đó phải là tài sản quốc gia. Mình phải tôn trọng giá trị hiến tạng đó ở tầm lớn, như thế mới xứng đáng với giá trị mà một người mong hiến tạng. Khi xác định đó là một tài sản quốc gia thì mình mới có thể vận động một cách hiệu quả, một cách tốt nhất. Theo tôi, ít nhất 2 điểm đó chúng ta có thể làm được.

Trần Hằng - P.Sơn
.
.
.