Hà Nội tăng đột biến nhiều bệnh truyền nhiễm

Thứ Sáu, 07/04/2023, 07:26

Sốt xuất huyết tăng gấp hơn 19 lần, thuỷ đậu tăng hơn 100 lần và tay chân miệng tăng gần 73 lần so với cùng kỳ năm 2022. Các bệnh truyền nhiễm đang tăng đột biến tại Hà Nội từ đầu năm đến nay, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Nhiều bệnh viện đã quá tải bệnh nhi nhập viện.

9 ổ dịch sốt xuất huyết, nhiều người còn chủ quan

Nếu như năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh vào tháng 10 và đỉnh dịch vào giữa tháng 11, thì ngay từ đầu năm 2023, căn bệnh này đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng. Từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có tại 26/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 9 ổ dịch sốt xuất huyết.

Hà Nội tăng đột biến nhiều bệnh truyền nhiễm -0
Bệnh nhi phải nằm ghép do trẻ nhập viện đông.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời tiết nồm ẩm, mưa khiến cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Trong tuần vừa qua, Hà Nội lại thêm 1 ổ dịch sốt xuất huyết mới với 3 ca bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Vào thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết năm ngoái, do công tác tuyên truyền tốt, nhiều gia đình ở Hà Nội đã thực hiện diệt bọ gây, loăng quăng tại nơi sinh sống. Những người sống trong ổ dịch sốt xuất huyết cũng đã ý thức hơn về công tác phòng bệnh. Tuy nhiên, từ Tết ra đến nay, nhiều người nghĩ sốt xuất huyết chưa quay trở lại nên đã "quên" phòng bệnh. "Mấy ngày nay nhà tôi rất nhiều muỗi, vì chủ quan nên đi ngủ không mắc màn, mấy cháu nhỏ bị muỗi đốt nên tôi lo lắng. Đọc thông tin trên báo thấy sốt xuất huyết tăng rất mạnh, sáng nay tôi phải đổ nước ở bình hoa, thay nước ở mấy chậu cây thuỷ sinh ngoài sân", bà Phạm Thị Khoá, phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết.

Tuy sốt xuất huyết tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, song theo phản ánh, tại nhiều địa phương của Hà Nội, người dân chưa được tuyên truyền và phát động diệt muỗi, loăng quăng, xử lý nước thải, nước đọng… để ngăn ngừa bệnh bùng phát trên diện rộng. Đặc biệt, nhiều gia đình muỗi sinh sôi phát triển nhưng chưa ý thức phòng bệnh. Nhiều người còn chủ quan khi bị sốt chỉ nghĩ bị sốt virus, không đi khám, tới ngày thứ 5-6 vẫn sốt cao, người mệt lả, đến viện thì mắc sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu đã giảm xuống dưới 50. Hoặc có người không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng đến khám, kết quả xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết.

Theo BSKCII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại bệnh viện tăng, trong đó tỷ lệ người lớn bị bệnh cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng. Nhận định ban đầu cho thấy, so với các đợt trước, đợt sốt xuất huyết lần này do các chủng gây bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ghi nhận không ít trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh, ngay cả nhân viên y tế, dễ mất cảnh giác, chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng. BS Kim Anh dẫn chứng, đã có trường hợp bé 7 tháng tuổi đến nhập viện với triệu chứng sốt, tiêu lỏng, gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa, chỉ điều trị tại nhà tới khi trẻ co giật tím tái mới nhập viện khiến cho việc điều trị khó khăn phức tạp và nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh viện quá tải

Trước sự bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm, hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội có khoa Nhi và Bệnh viện Nhi Trung ương đều rơi vào quá tải. Theo phản ánh của một phụ huynh ở quận Hà Đông (Hà Nội), con chị bị sốt, thở khó, vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, kết quả cháu mắc virus hợp bào hô hấp, biến chứng viêm phổi. Song do bệnh viện hết giường, chị đã liên hệ tới 5 bệnh viện khác (có 4 bệnh viện tư và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cũng đều quá tải, hết giường. Cuối cùng chị cho con nhập Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 248 ca tay chân miệng (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 ca), 800 ca thuỷ đậu (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 11 ca). Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận một số chùm ca bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô đã ghi nhận 63 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn so với tuần trước), có thêm 4 ổ dịch tại trường mầm non ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Đan Phượng và Thạch Thất, nâng lên thành 8 ổ dịch từ đầu năm tới nay.

Trước sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm và quá tải bệnh nhi nhập viện, CDC Hà Nội nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân nên đã kích hoạt các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả. Giám sát và xử lý hiệu quả các ổ dịch thuỷ đậu, tay chân miệng để ngăn chặn bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, các bệnh truyền nhiễm như thuỷ đậu, cúm, sởi, ho gà… có vaccine phòng bệnh, nhưng thời gian qua, nhiều phụ huynh còn trì hoãn tiêm cho con. Vì vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo CDC yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng, đồng thời tổ chức tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Trần Hằng
.
.
.