Hà Nội: số ca uốn ván tăng hơn 2 lần, 2 người tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 23 ca mắc uốn ván, có người chỉ vì vết thương nhỏ nhưng không được xử lý, đã tử vong.
Ngày 25/10, theo tin từ CDC Hà Nội, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc uốn ván.
Đó là nam bệnh nhân 60 tuổi, trú tại quận Ba Đình. 14 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân bị bỏng gas ở hai cẳng chân và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, co cứng hai chân, hạn chế vận động.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng miệng chỉ há được khoảng 1,5cm, trương lực cơ toàn thân tăng nhẹ. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván theo dõi nhiễm khuẩn huyết và bỏng hai chân. Điều đáng nói là bệnh nhân này chưa được tiêm phòng uốn ván.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 23 ca mắc uốn ván (tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Trong 2 ca tử vong có cụ bà 83 tuổi, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Cụ bà đi dự lễ hội tại đình làng và bị ngã, được gia đình đưa đến khám tại một phòng khám tư với chẩn đoán gãy kín lồi cầu xương cánh tay phải, có xây xước nhẹ bàn tay trái.
Sau đó, cụ bà được đưa đến thầy lang để bó lá thuốc tay bị gãy. Hai tuần sau, cụ bà thấy tay đau nhiều hơn, khó thở, mệt mỏi nhiều kèm theo cơn co cứng, vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim trên nền bệnh uốn ván. Tình trạng sức khỏe không cải thiện, gia đình xin về và bệnh nhân tử vong tại nhà.
Uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Dấu hiệu bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là cứng cơ nhai, mặt, gáy và sau đó là cơ thân.
Thời gian ủ bệnh thường 3-21 ngày, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Hầu hết trường hợp xuất hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm vi khuẩn uốn ván. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn, mức độ cũng nặng hơn.
Theo thống kê, các trường hợp uốn ván nhẹ chưa cần can thiệp thở máy chi phí 20-50 triệu đồng, còn trường hợp thở máy và biến chứng liên quan bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, gan, thận, chi phí có thể lên đến 200-300 triệu đồng mà vẫn không thể cam kết hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên, nhiều người bị vết thương nhỏ nhưng chủ quan không xử lý, không tiêm phòng uốn ván đã nhiễm bệnh rất nặng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ cao tử vong do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết.
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng uốn ván là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong phòng ngừa bệnh khi có vết thương ngoài da. Tiêm vaccine uốn ván được khuyến cáo dự phòng cho tất cả mọi người, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao: Người nông dân, người chăn nuôi gia súc, nghiện chích ma túy.