Gặp họa vì ăn tiết canh

Thứ Tư, 02/08/2023, 08:55

Từ đầu năm đến nay, ghi nhận hàng chục ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, tiếp xúc với thịt lợn bệnh hoặc ăn thịt lợn chưa nấu kỹ. Nhiều người nhập viện trong tình trạng chân bị hoại tử với nhiều mảng tím đen, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy đa tạng hôn mê phải thở máy.

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh thường gặp, gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị dài ngày và rất tốn kém, di chứng để lại nặng nề.

Tỉnh lại trên giường bệnh sau nhiều ngày cấp cứu, ông Phạm Văn B. (47 tuổi, phường Đại Yên, TP Hạ Long) không thể ngờ mình suýt mất mạng chỉ vì mua thịt lợn ở chợ về chế biến mà gây họa. Theo các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), ông B bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ông D. phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực 8 ngày mới thoát khỏi nguy hiểm.

a.jpg -0
Sau khi ăn thịt lợn chưa nấu chín, ông Phạm Văn B. phải nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

BS CKI Nguyễn Sỹ Mạnh - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Người bệnh nhiễm liên cầu lợn gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết; viêm màng não mủ; hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đến 4 – 5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa mỗi người. Bệnh nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng. Di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc, đau đầu…”.

Không chỉ ăn thịt lợn chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà các bác sĩ cho biết, nhiều người chỉ tiếp xúc với lợn bệnh, trên da có vết thương hở hoặc trầy xước cũng dễ dàng nhiễm bệnh. Nữ bệnh nhân 44 tuổi (Giao Thuỷ, Nam Định) làm nghề giết mổ lợn là một trường hợp bị những liên cầu khuẩn lợn như vậy. Chị bị hôn mê, suy hô hấp. Bệnh nhân phải trải qua 17 ngày thở máy và điều trị hồi sức tích cực, mới thoát khỏi “cửa tử”.

Theo các bác sĩ Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), gần đây Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai. Những người đến viện đều có tiền sử ăn tiết canh. Nhiều người bị điếc đột ngột chỉ sau vài ngày ăn tiết canh. Điển hình là nam bệnh nhân N.V.T (50 tuổi) vốn là thợ xây và thường ăn món khoái khẩu tiết canh. Gần đây anh thấy đau đầu, buồn nôn và giảm thích lực, đã đến Bệnh viện 108 thăm khám. Qua khai thác yếu tố dịch tễ được biết, 2 ngày trước khởi phát bệnh, anh này có ăn lòng lợn tiết canh. Sau khi kết hợp thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh T bị viêm màng não do Streptococcus suis (virus gây bệnh liên cầu khuẩn lợn) biến chứng điếc 2 tai.

Nhiều người cho rằng, chỉ ăn tiết canh lợn mới bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, thực tế đã có người ăn tiết canh ngan mà vẫn mắc căn bệnh này. Theo lời kể của người nhà anh Đinh Văn Kh. (41 tuổi, Hưng Yên), trước 9 ngày vào viện, anh ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Một ngày sau, anh đau đầu nhiều, vật vã, kích thích nên đã được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Với kinh nghiệm lâm sàng, sau khi cấy dịch não tủy, các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm màng não mủdo liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ngan.

Lý giải về trường hợp này, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê.. để bán ở các cửa hàng nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận và điều trị hàng chục ca nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng nặng với tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỉ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục. Hiện nay bệnh này chưa có vaccine, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời”, PGS Cường khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.