Gặp họa khi tin vào quảng cáo “đông y gia truyền” chữa bách bệnh

Chủ Nhật, 10/11/2024, 08:22

Thuốc Đông y gia truyền được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội chữa khỏi tiểu đường, xương khớp, ung thư… đã khiến nhiều người tin là thật, mua về sử dụng và gặp biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Nhiều người có con chậm tăng cân đã tin theo quảng cáo trên mạng, mua thuốc đông y “tăng cân thần tốc” về cho con uống, kết quả phải nhập viện cấp cứu vì trong thuốc chứa corticoid gây suy tuyến thượng thận. Thậm chí, nhiều bệnh nhân ung thư đã từ bỏ điều trị, nghe theo quảng cáo mua thuốc đông y về uống, bệnh nặng đến mức cận kề cái chết.

Suy tuyến thượng thận vì muốn “tăng cân thần tốc”

Phát hiện con bỗng nhiên mọc nhiều lông khắp toàn thân, chị Phạm Thị Mai (Hà Nội) đưa con trai 5 tuổi đi khám, bác sĩ kết luận cháu bé bị suy tuyến thượng thận. Theo chị Mai, con chị lười ăn, chậm tăng cân từ nhỏ, dù đã áp dụng nhiều phương pháp nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Được bạn bè giới thiệu, chị tự tìm mua thuốc đông y gia truyền với mong muốn hỗ trợ tăng cân cho con. Sau 3 tháng sử dụng, con chị chỉ tăng 0,5kg. Một tháng trở lại đây, cháu bé xuất hiện tình trạng mọc lông bất thường, đặc biệt ở vùng mặt, vai, cánh tay, lưng và chân. Ngoài ra, da của cháu cũng sạm hơn, mặt tròn hơn. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy tuyến thượng thận do thuốc, được kê đơn điều trị ngoại trú và hẹn lịch tái khám.

đông y rởm.jpg -0
Quảng cáo thuốc đông y chữa xương khớp trên mạng xã hội.

Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nguy hiểm sau khi sử dụng thuốc đông y có chứa corticoid vào mục đích tăng cân. Xuất phát từ tâm lý nhiều cha mẹ “nuôi con béo mới khỏe”, không ít “thần dược” được gắn mác đông y mang tên “tăng cân thần tốc” được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Đáng nói, phần lớn các “thương hiệu” này đều gắn dưới mác “đông y gia truyền”, bởi vậy nhiều cha mẹ không tìm hiểu kỹ nên luôn nghĩ thuốc đông y vô hại, không hề lường trước được những hệ lụy nghiêm trọng.

Theo ThS.BS Ngô Thị Cam, chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ, corticoid là một chất kháng viêm mạnh, thường có trong thành phần của nhiều loại thuốc như thuốc nhỏ, xịt trong tai mũi họng; thuốc bôi trong da liễu; thuốc uống chống viêm trong nhiều bệnh lý và các thuốc không có nguồn gốc rõ ràng với quảng cáo giúp trẻ ăn ngon, tăng cân. Việc sử dụng các chế phẩm corticoid liều cao, kéo dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan khác nhau. Khi dừng đột ngột có thể gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận cấp, là một tình trạng cấp cứu có khả năng tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Tử vong vì bỏ điều trị ung thư, về uống thuốc “gia truyền”

TS.BS Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết, tại Trung tâm ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư nghe theo quảng cáo của những “thần y” thổi phồng công dụng chữa bệnh của bài thuốc “đông y gia truyền” đã bỏ điều trị về mua thuốc đông y chữa bệnh. Sau một thời gian uống thuốc của những “lang băm” này, người bệnh kiệt quệ về sức khoẻ, họ phải quay lại Bệnh viện 19-8 trong tình trạng bệnh ung thư tiến triển rất nặng, thậm chí còn nguy kịch, tử vong.

Điển hình là trường hợp một phụ nữ 44 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) bị ung thư vú vào nhập viện tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng tính mạng cận kề “cửa tử”. Cách đây 2 tháng, chị này được chẩn đoán mắc ung thư vú tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Nhưng thay vì điều trị, chị lại lên mạng mua thuốc dạng bột màu vàng về uống. Kết quả bệnh không đỡ mà da ngày càng vàng. Khi chị được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai đã rất nặng, bác sĩ chẩn đoán chị bị hội chứng não gan độ III, suy gan cấp, phải thở máy. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh tình không chuyển biến, các bác sĩ khuyên gia đình đưa bệnh nhân về, sau đó bệnh nhân tử vong.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng quảng cáo bài “thuốc gia truyền”, “lương y gia truyền” để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng công dụng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính, trong đó có ung thư. Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP và cơ quan Công an để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, khi điều tra, hầu hết số điện thoại đăng tải đều không có, địa chỉ cũng không đúng. Xử lý vấn đề mạo danh lương y để quảng cáo bán thuốc rất phức tạp, cần sự phối hợp vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành.

Ông Thịnh cũng cho biết thêm, tình trạng tẩm ướp, phun các chất bảo quản, chì vào thuốc đông y bán ra thị trường khiến nhiều người bị suy gan, suy thận gây bức xúc trong xã hội xảy ra ở các sản phẩm không chính thống, hoặc một số “ông lang, bà mế” nào đó có thể sử dụng chất bảo quản, người bệnh mua về sử dụng và gặp phải những bệnh lý đáng tiếc. “Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) và các bệnh viện chính thống không bao giờ phun, tẩm ướp, sử dụng chất bảo quản, chất cấm trong dược liệu, thuốc đông y”, ông Thịnh khẳng định.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định về điều kiện sơ chế, chế biến dược liệu và các đơn vị phải tuân thủ. Cục Quản lý y, dược cổ truyền thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra các phòng khám, cơ sở hành nghề gia truyền, khi phát hiện thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phun hoặc tẩm ướp chất cấm thì áp dụng chế tài xử phạt nghiêm, để tạo tính răn đe. Bộ Y tế cũng cảnh báo tới người dân không mua và sử dụng thuốc đông y, thuốc gia truyền trôi nổi; không nghe theo quảng cáo “nổ” thổi phồng công dụng mà từ chối điều trị tại các cơ sở y tế khi mắc bệnh.

Trần Hằng
.
.
.