Gần 2.300 ca ghép tạng, cứu sống hàng nghìn người bệnh hiểm nghèo

Thứ Sáu, 06/12/2024, 10:41

Tính đến nay, Việt Nam thực hiện được 9.100 ca ghép tạng, trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghép được 2.273 ca, nhiều bệnh nhân được ghép cùng lúc nhiều tạng. 

Chia sẻ tại Hội thảo “Công tác ghép mô - tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức” với chủ đề "Ghép mô - tạng: Triển vọng và thách thức" tổ chức ngày 6/12 quy tụ hàng trăm giáo sư, bác sĩ và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, tháng 4/2002, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện trường hợp ghép thận đầu tiên trên người.

Trong hơn 20 năm, bệnh viện đã không ngừng phát triển và khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực ghép mô – tạng tại Việt Nam. Các kỹ thuật ghép: Ghép tim, ghép gan, ghép phổi, ghép thận, ghép đa tạng đồng thì, ghép mô bảo quản đã được đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện làm chủ, đặc biệt là những kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao và sự phối hợp liên chuyên khoa.

Tính đến tháng 5/2024, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được 63 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi, 120 ca ghép gan, trong đó 102 ca ghép gan từ người cho chết não; hơn 2000 ca ghép thận, trong đó 185 ca ghép thận từ người cho chết não; thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ 121 trường hợp chết não hiến tạng.

Gần 2.300 ca ghép tạng cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo -0
 TS.BS Dương Đức Hùng (thứ 3 từ phải sang), Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.

Đến tháng 10/2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là trung tâm ghép tạng hàng đầu của cả nước cả về số trường hợp ghép tạng, đặc biệt là số trường hợp lấy và ghép đa tạng từ người hiến chết não, đồng thời đã chuyển giao kỹ thuật cho trên 10 bệnh viện trong cả nước.

Tại Hội thảo, Hội Ghép tạng Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.

TS Dương Đức Hùng là bác sĩ ngoại khoa, chuyên ngành tim mạch, ông trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhiều ca ghép tạng quan trọng như ghép tim, gan, thận, khí quản. Ông là một trong những phẫu thuật viên chính tham gia vào ca lấy - ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, tháng 5/2010. Những ca ghép này không chỉ đạt tỷ lệ thành công cao mà còn góp phần đưa y học Việt Nam vươn lên tầm quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của nền y học nước nhà.

TS Hùng cũng tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo, giúp xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành ghép tạng, góp phần thúc đẩy các chương trình ghép tạng bền vững.

GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong những phát minh khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. So với thế giới, Việt Nam bắt đầu ghép tạng muộn hơn khoảng 50 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của y học Việt Nam đã bắt kịp.

Cả nước hiện có hơn 25 trung tâm ghép tạng, trong đó Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những đơn vị lớn nhất. 32 năm qua các thầy thuốc thực hiện được gần 9.100 ca ghép tạng, riêng bệnh viện này ghép 2.273 ca.

Ba năm gần đây, mỗi năm cơ sở này thực hiện hơn 250 ca ghép tạng. 11 tháng đầu năm 2024, số ca thực hiện được là 260, cao nhất trong 20 năm qua. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam thực hiện ghép khí quản thành công từ nguồn hiến người cho chết não (tháng 5/2024). 

Chia sẻ tại phiên toàn thể, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Ca ghép gan đầu tiên cho người lớn tại Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào năm 2007. Đến nay, sau 17 năm, nữ bệnh nhân vẫn sống khoẻ mạnh.

Gần 2.300 ca ghép tạng cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo -0
Kỳ diệu hai anh em ruột được ghép tim ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mở ra cuộc sống mới.

Từ những kỹ thuật khó như chia gan để ghép được thực hiện thành công, đến nay, kỹ thuật ghép tạng khó của Bệnh viện đã trở thành thường quy, cùng lúc lấy - ghép đa tạng với việc triển khai đồng thời 6-8 bàn phẫu thuật; có nhiều bệnh nhân ghép đồng thời cùng lúc nhiều tạng.

Điển hình là bệnh nhân 59 tuổi, quốc tịch Lào, bị suy thận mãn kèm theo xơ gan (do rượu), được ghép đồng thời cả gan và thận, tránh các nguy cơ của 2 cuộc mổ liên tiếp. Nguồn tạng được lấy từ nam thanh niên 19 tuổi bị chấn thương sọ não nặng.

Sau 12h, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca mổ thành công, gan và thận mới ghép đã hoạt động. 

Hay anh T.T.Q, (37 tuổi, quê ở Gia Lai) mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo nhiều năm. Do tất cả các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, anh được bác sĩ hướng dẫn đi mổ ghép cả tim và thận.

Đầu tháng 2/2023, anh Q được ghép đồng thời tim và thận, tạng được lấy từ một bệnh nhân bị chết não do chấn thương sọ não nặng đã được gia đình đồng ý hiến đa tạng. Ca ghép kéo dài 10h. 

Chuyên gia đánh giá, đây là ca ghép đa tạng tim - thận thành công đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như ở Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành của ngành ghép tạng.

Đặc biệt, trường hợp ghép đồng thời cả tim - gan là Đ.V.H (41 tuổi) thành công đã mở ra rất nhiều hy vọng sống cho người bệnh bị suy đa tạng.

Bên cạnh đó, Việt Đức cũng là bệnh viện thực hiện thành công nhiều ghép tim trẻ em nhất trên cả nước, mang lại cuộc đời và tương lai mới cho các em.

Trần Hằng
.
.
.