Đường dây nóng về y tế luôn “nóng”
Giữa trưa ngày cuối tháng 8, đường dây nóng của Đội phản ứng nhanh thuộc Tạm Y tế phường Phú Thạnh, quận Tân Phú reo lên, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Hiệp nhanh chóng nghe máy. Đầu giây bên kia là giọng của một người đàn ông nói với sự hoang mang: “Tôi tự test nhanh ra kết quả dương tính, 4 người còn lại trong gia đình thì âm tính. Tôi đang rối lắm, nhờ bác sĩ tư vấn dùm tôi”.
BS Nguyễn Hữu Hiệp trấn an: “Anh đừng lo lắng quá, giờ cần nhất là bình tĩnh”, đồng thời hỏi tiếp về tình trạng sức khoẻ hiện tại, tiền sử bệnh lý nền, điều kiện gia đình có phòng riêng hay không… Người đàn ông tuổi trung niên, hiện cơ thể không có triệu chứng, không bệnh lý nền, có phòng riêng, nên BS Hiệp hướng dẫn anh cách ly điều trị tại nhà, hướng dẫn sử dụng thuốc. BS Hiệp nhắc: “Có bất cứ biểu hiện gì anh cứ gọi điện, đường dây nóng có người túc trực 24/24”. Người đàn ông bên kia đầu giây cảm ơn và yên tâm vì luôn có các bác sĩ bên cạnh.
BS Nguyễn Hữu Hiệp kể, những ngày qua, đường dây nóng của TYT luôn “nóng” bất kể ngày đêm. Có nhiều lần, giữa đêm, trạm y tế nhận được cuộc gọi báo rằng F0 có triệu chứng trở nặng, suy hô hấp, Đội phản ứng nhanh tức tốc cùng bình oxy và thuốc men lên đường cấp cứu cho bệnh nhân.
Đội phản ứng nhanh của Trạm Y tế phường Phú Thạnh trước đây có 4 nhân sự, mới đây được chi viện thêm 2 tình nguyện viên của Học viện Quân Y 103. “Nhận được sự chi viện nhân sự, chúng tôi phần nào giảm bớt áp lực hơn, nhiều F0 được hỗ trợ can thiệp kịp thời hơn”, BS chia sẻ.
BS Nguyễn Mậu Nam – Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế quận Tân Phú cho biết, quận có 11 phường với dân số đông. Phường có dân số thấp nhất là 32.000 dân, phường đông nhất là 69.000 dân. Trong những ngày qua, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, quận triển khai hướng dẫn tự test nhanh cho người dân trên địa bàn, số F0 có sự gia tăng, trong khi đó nhân lực của quận lại mỏng.
Song song với sự hỗ trợ từ Đội phản ứng nhanh thuộc Trạm Y tế của mỗi phường, trên địa bàn có 11 Trạm Y tế lưu động cũng đang được gấp rút đưa vào hoạt động. Mỗi Trạm Y tế lưu động gồm 1 BS, 2 điều dưỡng và 3 tình nguyện viên, mục đích là nhanh chóng tiếp cận đến người bênh. Hỗ trợ điều trị kịp thời cho F0 và cả những người bệnh mang bệnh lý thông thường.
Còn tại quận 3, một trong những Trạm Y tế lưu động đầu tiên được vận hành tại TP Hồ Chí Minh là Trạm Y tế lưu động phường 11. Với nhân lực gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, hiện nay tại đây đang quản lý hơn 70 người F0 đang cách ly tại nhà.
BS Lê Thị Bảo Yến – Trung tâm Y tế quận 3 chia sẻ: “Tại trạm có đầy đủ thiết bị như oxy cho bệnh nhân thở, tủ thuốc để điều trị những triệu chứng mà chức năng của trạm y tế có thể điều trị được. Những ngày qua, trạm đã vận hành ổn định, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho bệnh nhân rất tốt, hỗ trợ chuyển viện cho những trường hợp nặng được đến cơ sở điều trị an toàn”.
Tương tự, tại quận 7 cũng vừa ra mắt 5 Trạm Y tế lưu động. BS Mai Hồng Tiến – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Y tế quận 7 cho biết, Trạm Y tế lưu động sẽ cùng với Đội phản ứng nhanh của Trạm Y tế cơ hữu thực hiện chăm sóc và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm đáp ứng xử trí những trường hợp F0 phải thăm khám tại nhà và những trường hợp cần kíp phải chuyển viện.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã lập hơn 400 Trạm Y tế lưu động, hiện đang tiếp tục lập để phủ kín trên địa bàn. Trạm Y tế cơ hữu và Trạm Y tế lưu động có sự phối hợp để cùng vận hành, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho F0 trong cộng đồng.
Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với mô hình này, các y bác sĩ tiếp cận gần hơn tình hình sức khỏe của từng người mắc COVID-19 và hỗ trợ người bệnh khi họ cần tư vấn. Nhất là sẽ cung cấp trực tiếp và miễn phí các thiết bị y tế, thuốc men và chăm sóc sức khỏe khi họ có tiến triển bất thường. “Chúng tôi kỳ vọng với mô hình này chắc chắn sự chăm sóc sức khỏe tại địa phương, đặc biệt là tại phường, xã sẽ tốt hơn và người dân sẽ thuận lợi hơn”.