Dùng thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy

Thứ Ba, 19/11/2024, 22:19

Theo Bộ Y tế, thiết kế của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các hình thức quảng bá hấp dẫn, dẫn dắt thế hệ người sử dụng nicotine mới, đặc biệt là thanh thiếu niên và nữ giới.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới đa phần sử dụng muối nicotine nồng độ cao, dễ được hấp thu, giảm kích ứng họng và dễ đưa được hàm lượng nicotine cao vào một sản phẩm kích cỡ nhỏ. Hiện nay nhiều sản phẩm có thể cho phép hút tới 3.000, 5.000 hay 8.000 lần. 

Muối nicotine là yếu tố chính dẫn tới tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao trong giới trẻ, ở một số nước thậm chí còn cao hơn ở người trưởng thành. Có bằng chứng đáng kể cho thấy thuốc lá điện tử có nicotine gây nghiện ở người không hút thuốc và người trẻ dùng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá cao gấp 3 lần.

Tình trạng người sử dụng kép (cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điếu) phổ biến ở nhiều quốc gia. Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá mà tiếp tục sử dụng đồng thời cả hai loại. 

Dùng thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy -0
Thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm.

Với thuốc lá nung nóng, người từng sử dụng sản phẩm này cũng có nhiều khả năng tái nghiện hơn. 

Theo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, năm 2021, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh phổ thông lớp 8-12 (13-17 tuổi) ở TP Hà Nội là 8,4%, trong đó 45% chưa bao giờ hút thuốc lá điếu (người dùng mới); 3,2% học sinh 13-17 tuổi sử dụng đồng thời thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu (người dùng kép).

Thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá, đặc biệt là ở giới trẻ. Bộ Công an đã phát hiện một số trường hợp cả các đơn vị tư nhân nhập lậu linh kiện sản phẩm, chủ động pha trộn ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử trước khi bán.

Từ năm 2022, Việt Nam ghi nhận một loạt các ca bệnh điển hình nhập viện do người sử dụng hút thuốc lá điện tử có phối trộn ma túy. Năm 2023, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc ma túy. 

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Bộ Công an), tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử pha trộn, tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng; đối tượng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ tăng mạnh qua các năm, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các nguy cơ khác khiến tác hại của thuốc lá điện tử cao hơn so với thuốc lá điếu là: nồng độ nicotine cao hơn; khối lượng chất lỏng/dung dịch lớn hơn; tình trạng ghi nhãn không đầy đủ; thiếu bao bì chống trẻ em; thời gian sử dụng lâu hơn thuốc lá điếu: một điếu TLĐT có thể hút nhiều nghìn lần.

Báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này. Nếu các quốc gia lựa chọn quản lý các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử như thuốc lá thì cần đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

Tại Hội nghị COP 8, WHO khuyến cáo: việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.

Theo Bộ Y tế, biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ hiệu quả hơn so với biện pháp hạn chế hay cho phép lưu hành nhưng quản lý chặt chẽ. Các lý do chính bao gồm: Nếu chỉ quản lý mà không cấm, sẽ rất khó kiểm soát hoàn toàn các hoạt động quảng cáo, bán hàng online, nhập lậu, tiếp cận của giới trẻ. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng nhanh tỷ lệ sử dụng ở giới trẻ, tạo ra thế hệ nghiện nicotin mới. 

Bên cạnh đó, biện pháp quản lý đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn để thực thi nhiều quy định phức tạp, gây gánh nặng cho Chính phủ. Trong khi đó, cấm hoàn toàn sẽ đơn giản và dứt khoát hơn. 

Bộ Y tế cũng cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có văn bản khẳng định sự khó khăn trong việc kiểm soát các chất ma túy và gây nghiện khác có thể pha trộn vào thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Mặt khác, trên thực tế, cho đến hiện nay chưa có một phòng xét nghiệm độc lập nào ở Việt Nam có thể xét nghiệm các chất trong thuốc lá điếu. Cả nước chỉ có phòng xét nghiệm của Viện thuốc lá thuộc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam có thể kiểm nghiệm được 2 chất là Tar và Nicotin trong khói thuốc lá điếu. Điều này cho thấy năng lực quản lý của nước ta không đủ để bảo đảm thực thi phương án quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

Bộ Y tế nêu dẫn chứng, nhiều nước cho phép lưu hành với các quy định hạn chế đã không thành công ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở giới trẻ gia tăng. Điều này cho thấy biện pháp quản lý có nhiều rủi ro, khó kiểm soát.

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất, trước mắt Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nhung nóng ở tất cả các dạng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. 

Tr. Hằng
.
.
.