Dịch sởi bùng phát mạnh, “tấn công” cả người lớn

Thứ Hai, 25/11/2024, 07:55

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh sởi bùng phát ở TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 2024 đến nay với 1.858 ca mắc, 3 ca tử vong; số ca mắc sởi từ tỉnh khác đến là 3.052 trường hợp, 1 người tử vong. TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi vào tháng 8 năm nay và mở chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ em trên toàn TP. Bộ Y tế cũng đồng ý phê duyệt cho TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine sởi cho trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng mở rộng (từ 9 tháng trở xuống). Tuy nhiên, đến nay, TP vẫn ghi nhận hơn 200 ca mắc sởi trong 1 tuần (từ 11/-17/11).

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 98,5% trường học hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn tình trạng bỏ sót trẻ cần tiêm trong chiến dịch tại trường học. Điều này cho thấy, dù TP đã đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra, nhưng ca mắc sởi ở độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch vẫn tiếp tục xuất hiện.

Dịch sởi bùng phát mạnh, “tấn công” cả người lớn -0
Người lớn mắc sởi bị biến chứng nguy kịch.

Địa phương bùng phát dịch sởi cao ở phía Nam là Đồng Nai, đã ghi nhận 2.245 ca bệnh từ đầu năm đến nay, 1 trường hợp tử vong, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ ghi nhận 3 ca mắc, không có ca tử vong. Theo Sở Y tế Đồng Nai, TP đã tiêm vaccine sởi cho khoảng 80.000 người, đạt hơn 97%. Tuy nhiên, số ca mắc sởi tại Đồng Nai có tới 91,5% chưa tiêm vaccine, điều này cho thấy vẫn còn sót nhiều đối tượng trong cộng đồng chưa được thống kê danh sách và tiêm vaccine sởi trong chiến dịch. Đặc biệt, ngoài trẻ em, dịch sởi “tấn công” đến người lớn. Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ghi nhận nhiều người lớn mắc sởi nhập viện, có trường hợp diễn biến nặng phải thở máy, lọc máu liên tục. Hiện, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định công bố dịch sởi trên toàn tỉnh.

Không bùng phát mạnh như phía Nam, ở phía Bắc, bệnh sởi xuất hiện gia tăng so với năm 2023 tại nhiều địa phương. Các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đặc biệt, sởi cũng “tấn công” vào người lớn, có trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Điển hình là ông N.V.T (56 tuổi, Hà Tĩnh) bị sốt cao nhiều ngày, nổi ban nhưng không nghĩ mình bị mắc sởi, tự mua thuốc hạ sốt về nhà uống nhưng không đỡ, tới khi ông bị suy hô hấp mới đưa tới viện thì được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm phổi, bội nhiễm nhiễm trùng nặng. Ông T được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị trong tình trạng rất nặng, nhưng may mắn qua khỏi.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sở dĩ dịch sởi bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước là trong thời gian đại dịch COVID-19 trẻ không được tiêm chủng đầy đủ; thời gian qua thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng dẫn tới một bộ phận trẻ chưa được tiêm vaccine. Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan mạnh, với chu kỳ 4-5 năm một lần, mỗi lần bùng phát đều gây dịch. Theo chu kỳ 5 năm thì năm nay dịch sởi bùng phát là điều không có gì bất thường.  

Theo chuyên gia, sở dĩ thời gian vừa qua, nhiều người trưởng thành mắc sởi là do virus lây lan qua đường hô hấp, người lớn chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa từng mắc sởi, hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch đã suy giảm, khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì dịch bùng lên. Đặc biệt, đối với phụ nữ, tình huống thường gặp là lây nhiễm khi chăm sóc con nhỏ mắc sởi. Bệnh sởi thường có đặc điểm miễn dịch từ mẹ truyền cho con, khi trẻ 9 tháng tuổi miễn dịch suy giảm thì tiêm vaccine sởi và nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi.

Nhưng hiện nay, do nhiều bà mẹ chưa tiêm chủng, chưa từng mắc sởi, đồng thời có tiêm chủng nhưng miễn dịch không đủ mạnh nên miễn dịch mẹ truyền sang con yếu hơn, khi con chưa đến 9 tháng tuổi đã mắc bệnh. “Vừa qua có nhiều trẻ sơ sinh dưới 9 tháng tuổi ở TP Hồ Chí Minh mắc sởi, nên Bộ Y tế đã đồng ý cho tiêm vaccine sởi ở những đối tượng này, coi đây là mũi vaccine số 0. Khi trẻ 9 tháng tuổi thì tiêm mũi 1 (mũi 0 phải cách mũi 1 là 1 tháng) và 18 tháng tuổi tiêm mũi 2. Tuy nhiên, không phải trẻ nào dưới 9 tháng tuổi cũng tiêm vaccine sởi mà chỉ tiêm cho một số đối tượng ở vùng nguy cơ cao”, ông Phu nói. 

Để ngăn ngừa dịch sởi bùng phát mạnh, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân cần chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm vaccine. Các tỉnh phải tự mua vaccine chống dịch để nhanh chóng tiêm cho những đối tượng chưa được tiêm, nếu không tiêm nhanh thì dịch sẽ bùng lên.

“Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho toàn bộ trẻ em từ 1-14 tuổi vào đợt dịch năm 2014-2015 rất có hiệu quả. Vì vậy, các chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ hiện nay cũng cần được triển khai quyết liệt, nhất là tại các trường học, khu dân cư, phải rà soát xem còn bỏ sót đối tượng hay không để đưa đi tiêm bù, tiêm vét”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. 

Trần Hằng
.
.
.