Di chứng khốc liệt từ COVID-19

Chủ Nhật, 03/10/2021, 07:37

Sau thời gian điều trị mắc COVID-19, mặc dù người bệnh đã phục hồi và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng sau đó nhiều bệnh nhân vẫn phải chịu tác động từ những di chứng, biến chứng, sự tổn thương tinh thần. Những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, bệnh nhân lớn tuổi hay người có nhiều bệnh sẽ là lúc các bệnh nền dễ bộc phát. Do đó, việc hỗ trợ điều trị chăm sóc trong giai đoạn phục hồi càng sớm thì hậu quả của căn bệnh càng nhẹ, giảm thiểu di chứng.

Hai tuần đầu sau khi xuất viện, anh N.Đ.T (35 tuổi ở TP Hồ Chí Minh), vẫn bị hành hạ bởi những cơn ho bất chợt dài từ 20-30 phút, thở ran như tiếng máy kêu. Anh T. là bệnh nhân suy hô hấp nặng được chuyển đến Khoa Hồi sức – Bệnh viện COVID-19 TP Thủ Đức (do Bệnh viện TP Thủ Đức phụ trách). Hai phổi anh tổn thương trắng xóa, nồng độ oxy máu mao mạch (SpO2) tụt xuống 60-65%.

Anh T. thuộc trường hợp thiếu oxy thầm lặng (silent hypoxia), nồng độ oxy máu giảm thấp nhưng lại không cảm thấy khó thở nhiều, vẫn dung nạp được oxy lưu lượng cao qua thở máy không xâm lấn (HFNC), SpO2 đạt 80-85% nếu kết hợp nằm sấp. Người bệnh xin bác sĩ để mình cố gắng tập thở, nếu không ráng được nữa mới đặt nội khí quản. Các bác sĩ đồng ý, theo dõi bệnh nhân 24/24h, để sẵn máy thở bên giường bệnh, can thiệp ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu thở nhanh.

di chung.jpg -0
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19.

May mắn, anh T. vượt qua, phổi dần hồi phục, thở oxy qua mũi. Gần một tháng điều trị, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, anh xuất viện nhưng sức khỏe rất yếu, đi lại chưa vững. Anh vẫn thiếu oxy thầm lặng, thở nặng nhọc, SpO2 dao động 88-92%, sút 14kg, da xanh như tàu lá.

Cơn ho không sao dừng lại được giữa chừng như rút hết sức lực người đàn ông, các cơ ngực đau thắt, tai ù đi, anh ôm ngực, dựa lưng vào tường, thở bằng miệng. Chồng mệt, vợ anh cũng căng thẳng theo, nhiều đêm liền chị không dám ngủ, thường phải kiểm tra xem anh có thở nhanh hay sắp ho không. Sau hơn một tháng ở nhà điều trị theo hướng dẫn từ xa của bác sĩ, anh T. đã hồi phục được khoảng 70-80% sức khỏe. Tuy nhiên, nếu để trở lại với công việc bốc xếp, vận chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền thì chắc còn lâu.

“Lúc trước tôi có thể vác bao hàng nặng 50-60kg. Giờ gắng hết sức mới nhấc nổi 20kg.”, anh T. chia sẻ.

Còn chị N.T.T.V. (31 tuổi, ở huyện Hóc Môn) cũng đang vật lộn trên hành trình tập thở hậu COVID-19. Trải qua một tháng sinh tử, chị V. khỏi bệnh COVID-19, tỉnh táo nhưng chưa tự đi đứng được, phải tiếp tục thở oxy lưu lượng thấp và dùng thuốc kháng đông máu, kháng viêm tại nhà. Chị còn bị mất giọng, chưa thể nói chuyện được bình thường, kèm thêm mất ngủ,…

Bác sĩ Lê Duy Lạc, Khoa Hồi sức – Bệnh viện COVID-19 TP Thủ Đức cho biết, nhiều F0 nặng và nguy kịch gặp các di chứng sau COVID-19 được các bác sĩ theo dõi, tư vấn từ xa. Ở mức độ nặng, nguy kịch, đánh giá sơ bộ gần như 100% bệnh nhân này sau xuất viện đều gặp ít nhiều các triệu chứng như giảm oxy kéo dài; huyết khối tĩnh mạch; mệt mỏi, chán ăn kéo dài, sụt cân, mất ngủ…

Khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức công bố ngày 20/9, cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và tỷ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.

Theo bác sĩ Anh Thư – Bệnh viện TP Thủ Đức, một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hồi giữa tháng 7/2021, đưa ra những dữ liệu toàn diện về các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19. Nghiên cứu này khảo sát 3.762 bệnh nhân COVID -19 tại 56 quốc gia, từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020 cho thấy, trung bình bệnh nhân gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể, như sương mù não, ảo giác, mệt mỏi, run và ù tai…; 1/3 triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất sáu tháng kể từ khi khỏi COVID -19. Khoảng 22% số người được khảo sát cho biết họ không thể làm việc hoặc bị sa thải sau khi mắc COVID-19; 45% người phải giảm cường độ làm việc.

Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, thời gian qua Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 – Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhiều phần lớn bệnh nhân là những người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền kèm theo. Bệnh viện điều trị kết hợp giữa phục hồi chức năng với điều trị bệnh nền của các chuyên khoa (tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết…), giữa Đông và Tây y, điều trị tâm lý và thực hiện dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân sau COVID-19.    

“Nhân viên y tế không đơn giản là những y bác sĩ khám chữa bệnh nữa mà họ còn kiêm luôn việc trở thành người thân của người bệnh để dỗ dành, xoa dịu những tổn thương, mất mát cho những hoàn cảnh éo le vì dịch bệnh”, BS Lê Đình Thanh cho biết.

PGS. TS. BS Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Cơ sở 3, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều người bệnh mặc dù đã được xác định khỏi bệnh COVID-19 nhưng vẫn còn các triệu chứng như ho, khó thở, mất ngủ, đau mỏi cơ, đau tức ngực, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khả năng người bệnh đang bị bệnh “COVID kéo dài” (gọi là Long COVID). Điều này đáng lo ngại. Vì vậy, việc điều trị bệnh hậu COVID-19 là rất cần thiết.

Hiện nay một số bệnh viện đã mở khoa chuyên điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (ở TP Thủ Đức)… Việc điều trị bệnh hậu COVID-19 đang là vấn đề được ngành y tế hết sức quan tâm.

Nguyễn Cảnh
.
.
.