Đề xuất mua 21,9 triệu liều vaccine cho trẻ em

Thứ Bảy, 22/01/2022, 07:38

Với tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao, Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine lớn trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo. Nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong đã giảm mạnh...

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khi đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao trong cộng đồng sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc COVID-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Tăng cường thuốc điều trị, tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Tính đến chiều 21/1, cả nước đã tiêm được hơn 173,7 triệu liều vaccine, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản hơn 94% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1%. Đến nay, đã có hơn 15,3 triệu liều vaccine tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, trong đó mũi 1 đạt hơn 8,2 triệu liều, mũi 2 là hơn 7 triệu liều; dự kiến hết tháng 1 tiêm hết mũi 2 cho lứa tuổi này.

Đối với vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ đã báo cáo Bộ Chính trị đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo tiêm cho đối tượng này, đồng thời cho phép mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech để có thể triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang tích cực có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của WHO, thực tiễn thế giới và Việt Nam.

Đề xuất mua 21,9 triệu liều vaccine cho trẻ em -0
Phấn đấu hết tháng 1 tiêm xong vaccine mũi 2 cho trẻ em 12-17 tuổi.

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay WHO chưa có khuyến cáo chính thống nào về tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, vì vậy Bộ Y tế làm việc rất thận trọng, khách quan, trên cơ sở khoa học tham khảo tất cả các chương trình tiêm chủng của các nước. Việc tiêm vaccine cho trẻ ở lứa tuổi này cũng phải tính đến khả năng chấp nhận của cộng đồng, vì vậy Thủ tướng giao cho Bộ Y tế đánh giá, điều tra xã hội học trong tiêm phòng vaccine cho trẻ em.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý 1/2022. Vaccine là vũ khí chống lại COVID-19 nên việc bao phủ vaccine càng thần tốc thì nguy cơ mắc, bệnh nặng và tử vong giảm.

Hiện nay, mỗi ngày cả nước ghi nhận trên 15.000 - 16.000 ca nhiễm COVID-19, tỷ lệ F0 cộng đồng chiếm hơn một nửa, việc điều trị F0 nhẹ tại nhà được triển khai ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, ở những địa phương có số F0 tăng cao như Hà Nội, rất nhiều người dân phản ánh không được phát thuốc kháng virus điều trị tại nhà. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay Việt Nam cơ bản bảo đảm kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Về thuốc kháng virus, Bộ đã huy động các nguồn lực để cấp thuốc: Remidesivir, Favipiravir, Molnupiravir.

Chương trình thí điểm thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng đã triển khai tại 53 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế cũng đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3 với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị COVID-19. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy các thuốc cổ truyền có tính an toàn. Về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn. 

Theo người đứng đầu ngành Y tế, hiện đã có 4 vaccine trong nước được thử nghiệm lâm sàng, 2 vaccine chuyển giao công nghệ với Nga, Nhật; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế… Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu trong năm 2022, có vaccine sản xuất trong nước và đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu vaccine đến cuối năm 2023. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trong nước, bảo đảm sản xuất được ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023, chủ động nguồn thuốc điều trị.

Bộ Y tế cho biết, năm 2022 bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị. Bảo đảm tất cả F0 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.

Thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ gồm biện pháp áp dụng chung cho kịch bản phòng, chống dịch ở tất cả các cấp độ dịch và biện pháp áp dụng; tiến hành đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã đến cấp tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khi đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao trong cộng đồng, sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc COVID-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao. Với kịch bản phòng, chống dịch tại các cấp (xã, huyện, tỉnh, khu vực) khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, tiêu chí để đánh giá là: Tỷ lệ lấp đầy giường thở oxy trong tuần qua vượt quá 100% và tỷ suất tử vong do COVID-19 trong 1 tuần/100.000 người từ 5 trở lên.

Theo đó, tới đây, các địa phương sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đúng thời điểm, ở phạm vi hẹp nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể; áp dụng một số biện pháp về tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh. Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch sang kiểm soát tỷ lệ mắc COVID-19 có nguy cơ cao.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để chuẩn bị kịch bản cho phòng, chống dịch khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, Bộ Y tế sẽ phát hiện kịp thời những thay đổi về dịch tễ học, độc lực của virus, thiết lập mạng lưới các phòng xét nghiệm của Việt Nam có khả năng phát hiện các biến chủng mới, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và thực hành tốt nhất trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và biện pháp hành chính phù hợp, theo dõi hiệu quả các biện pháp can thiệp gồm chẩn đoán, điều trị, vaccine đối với biến chủng mới; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Những biện pháp trên nhằm mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Trần Hằng
.
.
.