Đề xuất đưa bảo hiểm y tế bổ sung để giảm chi tiền túi cho người bệnh
Theo Bộ Y tế, mục tiêu của bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung là tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT bắt buộc và giảm chi tiền túi của người bệnh, xây dựng các gói quyền lợi về y tế ngoài phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.
Quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của đơn vị BHYT bổ sung
Tại Toạ đàm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 10/10, bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, loại hình BHYT hiện đang thực hiện là chính sách BHYT xã hội, bảo hiểm bắt buộc, do nhà nước bảo đảm.
“Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân (100% dân số tham gia BHYT), do đó, chúng tôi mong muốn phát triển thêm BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
BHYT bổ sung đề xuất hướng các doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm hiện nay sẽ cung cấp các gói BHYT bổ sung nhưng có quy định cụ thể, có những hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành liên quan để bảo đảm gói BHYT bổ sung cung cấp tối đa quyền lợi cho người bệnh. Đây là hình thức liên kết giữa BHYT bắt buộc với BHYT thương mại.
“Đưa vào quản lý nhà nước vấn đề liên quan đến phạm vi chi trả quyền lợi của người tham gia BHYT bổ sung, nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHYT”, bà Trang cho biết.
Theo ông Hoàng Trung Tuấn, Vụ Bảo hiểm Y tế, tại dự thảo Luật BHYT sưa đổi, bổ sung chương quy định về "Liên kết BHYT bổ sung và BHYT bắt buộc do nhà nước thực hiện". Mục tiêu phối hợp BHYT bắt buộc với bảo hiểm thương mại là tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm và giảm chi tiền túi của người bệnh, xây dựng các gói quyền lợi về y tế ngoài phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.
Nguyên tắc thực hiện BHYT bổ sung không trùng lắp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích, tổ chức cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung. Kinh phí mua BHYT bổ sung cho người lao động được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.
"Người tham gia BHYT bổ sung được thanh toán các khoản chi phí đồng chi trả ngoài mức hưởng của BHYT bắt buộc; các dịch vụ ngoài phạm vi được hưởng của BHYT bắt buộc. Các quyền lợi được nâng cao bao gồm: Tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn; được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo yêu cầu của người tham gia bảo hiểm; được thanh toán chi phí khám chữa bệnh thuộc quyền lợi gói BHYT bổ sung; được cơ sở y tế cung cấp chứng từ cần thiết để thanh toán BHYT bổ sung" ông Tuấn chia sẻ.
Mục tiêu cao nhất là quyền lợi cho người bệnh, không trùng lắp việc chi trả
Tại Toạ đảm, bà Nguyễn Thị Hồng Chi, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam có 50 doanh nghiệp bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), cung cấp sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ tại Việt Nam, hoạt động theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm sức khoẻ của các doanh nghiệp bảo hiểm là 43.517 tỷ đồng. Các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ phổ thông hiện nay trên thị trường bảo hiểm gồm: Bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khoẻ; bảo hiểm bệnh ung thư; bảo hiểm bệnh hiểm nghèo; bảo hiểm học sinh sinh viên; bảo hiểm du lịch; bảo hiểm tai nạn thuyền viên; bảo hiểm sức khoẻ cho người vay vốn.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, trường hợp quy định BHYT bổ sung tại dự thảo Luật BHYT sửa đổi cần nghiên cứu, đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cần nghiên cứu, đánh giá khả năng liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại, cụ thể về khả năng liên kết, hợp tác giữa cơ quan BHYT, cơ sở khám chữa bệnh với 50 doanh nghiệp bảo hiểm đang kinh doanh bảo hiểm sức khoẻ...
Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang cho rằng, đối với BHYT bổ sung, nhà nước có quy định tăng số người tham gia, bắt buộc phải tham gia BHYT bắt buộc mới được tham gia BHYT bổ sung. Gói BHYT bổ sung không được trùng lắp với quyền lợi hiện BHYT bắt buộc đã chi trả.
"Hiện có nguy cơ một số hợp đồng BHYT thương mại bị trùng lắp, ảnh hưởng đến quyền của người tham gia hợp đồng bảo hiểm. Ưu điểm của chính sách này không được chi trả trùng lắp để người bệnh được chi trả những phần giá trị gia tăng thêm (phần đồng chi trả, phần dịch vụ thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ theo yêu cầu…), bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh. Điều này thể hiện vai trò quản lý của nhà nước trong vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; cung cấp thông tin từ hệ thống BHYT của nhà nước cho việc bảo đảm phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm bổ sung", bà Trang nhấn mạnh.
Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho rằng, mục tiêu cao nhất của chính sách là bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, không trùng lắp cho việc chi trả cho người tham gia BHYT bổ sung hiện nay.
"Các gói BHYT thương mại hiện hành do các công ty kinh doanh bảo hiểm cung cấp vẫn là dịch vụ thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Gói BHYT bổ sung không nhằm mục tiêu trùng lắp với các gói bảo hiểm đó, mà là thêm một gói lựa chọn cho người tham gia BHYT bắt buộc để người dân tự nguyện và có điều kiện tham gia thêm", bà Trang cho biết.
Theo bà Trang, doanh nghiệp nào có nhu cầu tham gia gói bảo hiểm bổ sung thì phải tuân thủ quy định không được tự lựa chọn dịch vụ và lựa chọn đối tượng cung cấp như loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khoẻ mạnh để bán bảo hiểm. "Nếu chính sách này được thông qua và triển khai thì rất ưu việt", Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế nhấn mạnh.
Về mức phí của gói BHYT bổ sung, theo bà Trần Thị Trang, sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Luật sẽ phải quy định những nguyên tắc chung để bảo đảm mức phí phải tương xứng với phạm vi chi trả, không phải quyền lợi thì nhỏ mà mức đóng phí thì cao.