Đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán điều trị viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV ở tuyến quận, huyện

Thứ Năm, 15/12/2022, 08:26

TS.BS Nguyễn Thị Nhàn, Cục Phòng chống HIV/AIDS tại Hội thảo “Sơ kết triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và người đang điều trị Methadone” tổ chức ngày 14/12 cho biết, ước tính Việt Nam có 242.000 nhiễm HIV, số tử vong tích lũy đến nay là 112.368 người. Trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới, 1.378 người tử vong.

Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính và hơn 900.000 người nhiễm viêm gan C. Xơ gan và ung thư gan tiếp tục tăng nếu không mở rộng nhanh bao phủ chẩn đoán và điều trị viêm gan B và C. Ước tính có 50.000 người nhiễm HIV mắc viêm gan C mạn tính. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về nước có gánh nặng bệnh nhân mắc viêm gan C và là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất toàn cầu.

HIV8-1671067617169.jpg
Tỷ lệ người có HIV đồng nhiễm viêm gan C cao, song BHYT chưa thanh toán cho người điều trị ở tuyến quận, huyện. Ảnh minh họa

 Rủi ro về sức khoẻ ở người đồng nhiễm HIV và viêm gan C khi không được điều trị rất cao. “Một số nghiên cứu đã chứng minh sự tiến triển nhanh hơn của bệnh gan ở những người đồng nhiễm HIV và viêm gan C. Tỷ lệ tiến triển xơ hoá tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân đồng nhiễm”, BS Nhàn cho hay. Theo một nghiên cứu khác, những bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C có tỷ lệ mắc ung thư gan cao gấn 5 lần và xơ gan gấp từ 10-20 lần ở nhóm không đồng nhiễm. Trong nhóm những người đồng nhiễm HIV/viêm gan C có xơ gan: Xơ gan còn bù, tỷ lệ sống được 3 năm chỉ là 87%; xơ gan mất bù tỷ lệ sống được 2 năm chỉ còn 50%.

Theo Chiến lược Y tế toàn cầu của WHO về HIV, để viêm gan C không còn là mối đe doạ sức khoẻ cộng đồng vào năm 2030, các quốc gia cần ưu tiên, tối ưu hoá đáp ứng với HIV, viêm gan virus và bệnh lây truyền qua đường tình dục trong quần thể đích có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới… Việc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV cũng là một trong những mục tiêu cần phải đạt được để chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030 ở nước ta.

Theo BS Nhàn, tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C lên đến gần 97% ở những người hoàn thành phác đồ và đủ điều kiện làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C. Với sự hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, trong năm 2021-2022, có 16.000 người nhiễm HIV và người đang điều trị Methadone (thuốc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện) tại 36 tỉnh, TP được điều trị viêm gan C. Đây là các thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp, an toàn cao, khả năng dung nạp tốt, ít tương tác với thuốc ARV, thuốc Methadone, phù hợp với mọi kiểu gen viêm gan C. Theo đánh giá, sau một thời gian triển khai, việc lồng ghép điều trị viêm gan C tại các cơ sở y tế điều trị người nhiễm HIV là khả thi.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.310 người nhiễm HIV còn sống đang quản lý, trong đó có 3.094 người đang điều trị thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV), số bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng virus chỉ có 2.535 người. Hiện Long An đang có 7 phòng khám ngoại trú điều trị ARV, trong đó 5/7 phòng khám triển khai điều trị viêm gan C; 4 đơn vị vừa điều trị Methadone, HIV/AIDS và viêm gan C. Đến nay, kết quả điều trị viêm gan C ở Long An chưa thực hiện được tải lượng virus viêm gan C lần 2 do tỉnh chưa có chính sách xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C qua bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều bệnh nhân không có tiền tự túc mua dịch vụ.

Trình bày về khó khăn trong quá trình triển khai điều trị viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV và điều trị Methadone, đại diện CDC Long An cho rằng, nhiều bệnh nhân chưa nhận thức về sự nguy hiểm của viêm gan C và việc cần thiết phải điều trị. Đa số bệnh nhân không có khả năng tự chi trả xét nghiệm tải lượng viêm gan C và còn nhiều bệnh nhân chưa có BHYT, BHYT cận hoặc hết hạn… Điều này đã làm tình trạng bệnh tiến triển nặng nhanh hơn.

Theo TS.BS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, điều trị viêm gan C mang lại hiệu quả cao (tỷ lệ khỏi bệnh tại Hà Nội trên 96%), nếu triển khai đồng bộ và diện rộng, có thể loại trừ được viêm gan C mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Đại diện các đơn vị đều kiến nghị và đề xuất, đưa điều trị viêm gan C ở những người đồng nhiễm HIV/viêm gan C và điều trị Methadone vào danh mục được BHYT chi trả ở tuyến quận, huyện như thuốc ARV. Hiện, BHYT mới chi trả cho người bệnh viêm gan C tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương, trong khi giá thành điều trị vẫn rất cao.

Trần Hằng
.
.
.