Đề nghị xử lý nghiêm việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng xã hội
Trước tình trạng rao bán tràn lan kit test xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn đề nghị tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm.
Ngày 16/2, Sở Y tế Nghệ An có văn bản về việc đề nghị tăng cường công tác quản lý quảng cáo, mua bán kit test xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 trên các trang mạng xã hội.
Theo Sở Y tế, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, xuất hiện nhiều trang Facebook, Zalo, trang mạng xã hội khác quảng cáo, tiếp thị và mua bán các sản phẩm như: thuốc điều trị COVID-19, thuốc không có số đăng ký lưu hành (được giới thiệu là hàng xách tay, được sản xuất ở Nga, Mỹ); kit test xét nghiệm COVID-19 không đúng quy định ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Việc quảng cáo, tiếp thị và mua bán các sản phẩm không đủ điều kiện kinh doanh trên các trang mạng xã hội là không đúng quy định tại Luật Dược ngày 06/4/2016; Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược; Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế; Luật Quảng cáo; Luật Kinh doanh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Do đó, Sở Y tế đề nghị Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Sở Y tế tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm việc quảng cáo, mua bán thuốc điều trị COVID-19, thuốc không có số đăng ký lưu hành, mua bán kit test xét nghiệm COVID-19 không đúng quy định tại các trang mạng xã hội thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trước đó, như báo Công an nhân dân đã thông tin, trước thực trạng số người nhiễm COVID-19 tăng cao sau kỳ nghỉ Tết, ngành Y tế Nghệ An có dấu hiệu quá tải và cho F0 điều trị tại nhà, nhiều bệnh nhân đã nháo nhào tìm mua Kit xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Những mặt hàng được tiếp thị qua mạng xã hội, được giới thiệu là “hàng xách tay”, có người từ nước ngoài mang về, nằm ngoài danh mục cho phép được lưu hành của Bộ Y tế, nhưng vẫn được mua bán công khai.