Đâu là căn bệnh ung thư "nguy hiểm thứ nhì" với phụ nữ?
Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Mỗi năm có trên 5.100 phụ nữ mắc và khoảng 2.500 phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung.
Đây là thông tin được ông Trần Đăng Khoa, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em diễn ra ngày 28/7 tại Hà Nội.
Theo ông Khoa, tỷ lệ mắc mới của ung thư cổ tử cung tại Việt Nam năm 2010 là 13,6/100.000 phụ nữ; ở Hà Nội là 6,5/100.000, tại TP Hồ Chí Minh là 26/100.000.
Tỷ lệ hiện mắc các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (CIN2/CIN3) ở phụ nữ độ tuổi 30-54 là 4,8% (nghiên cứu 2013 trên 4.000 phụ nữ tại Hải Phòng và Cần Thơ). Người nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Trong đó type 16 và 18 rất phổ biến và gây ra trên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
“Đây là bệnh nguy hiểm, dự phòng bằng cách tiêm vaccine HPV, hoặc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, vaccine HPV hiện nay giá thành còn cao, khoảng gần 2 triệu đồng/mũi tiêm, nên nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn để có chi phí này”, ông Khoa nhấn mạnh.
Tuy là ung thứ đứng hàng thứ hai ở phụ nữ, song nhiều người phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn. Hiện, tỷ lệ phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nước ta hàng năm chỉ đạt khoảng 28%.
“Ung thư cổ tử cung mới chỉ được phát hiện qua sàng lọc thụ động (khi khám phụ khoa), chưa triển khai được chương trình sàng lọc chủ động. Tỷ lệ sàng lọc ở phụ nữ còn khá thấp (28%), nên khó đạt mục tiêu đặt ra trong kế hoạch hành động quốc gia là 60% vào năm 2025”, ông Khoa nhấn mạnh.
Hiện nay, cũng chưa có hệ thống đăng ký, theo dõi dọc đối với những phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện tổn thương, chẩn đoán, xử trí.
Để dự phòng ung thư cổ tử cung, theo ông Khoa, cần phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung. Xây dựng Đề án thí điểm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và xử trí. Phối hợp với các bệnh viện đầu ngành sản khoa đào tạo đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh về sàng lọc ung thư cổ tử cung.
“Đa số trạm y tế xã đã triển khai được kỹ thuật sàng lọc đơn giản là VIA, tuyến huyện, tỉnh thực hiện được xét nghiệm tế bào học, HPV. Tuy nhiên, năng lực sàng lọc của các tuyến còn hạn chế, chỉ có 22% bệnh viện huyện có khả năng thực hiện xét nghiệm học cổ tử cung, còn lại chỉ lấy bệnh phẩm cổ tử cung gửi tuyến trên xét nghiệm. Chỉ có 33% trạm y tế xã thực hiện được VIA và 21% lấy được bệnh phẩm. Trong gần 3 năm đại dịch COVID-19 vừa qua đã cản trở việc triển khai kế hoạch đào tạo các kỹ thuật sàng lọc”, ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, sở dĩ nhiều chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn là do Luật bảo hiểm y tế chưa thanh toán đối với chi phí khám sàng lọc. Trong 3 phương pháp sàng lọc, chỉ có VIA rẻ tiền, hai phương pháp còn lại đều khá đắt tiền (nhất là HPV) so với tiền túi của người dân nên sàng lọc chủ động cho cộng đồng chưa thể triển khai được một cách có hệ thống.
“Vì vậy, cần mở rộng chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung ra toàn quốc bằng cách thí điểm và mở rộng dần. Tổng chi phí khám sàng lọc thấp hơn rất nhiều so với tổng chi phí cho điều trị ung thư, vì vậy cần tích cực vận động để sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Đặc biệt kỹ thuật VIA có thể đưa ngay vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, áp dụng tại các tuyến y tế cơ sở”, ông Khoa kiến nghị.