Đắk Lắk ghi nhận bé gái mắc bệnh Whitmore
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.
Ngày 8/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Bệnh nhân là N.T.V. (nữ, SN 2013).
Theo hồ sơ bệnh án, vào ngày 4/6, bệnh nhân V. được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nhập khoa Nhi Tổng hợp trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39 độ C, tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng chắc không di động. Góc hàm (T) có điểm ấn mềm hoá mủ, đau nhiều; há miệng hạn chế; họng đỏ nhẹ loét chợt đầu lưỡi 1 nốt; ăn uống kém.
Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục, nhiệt độ 41 độ C. Áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu. Đi cầu lỏng 5 lần/ngày. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei với chẩn đoán hậu phẫu áp xe tuyến mang tai 2 bên/nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.
Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân khởi phát bệnh cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên. Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày (không rõ loại) nhưng không giảm nên đưa bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore trên, Sở Y tế đã chỉ đạo CDC nhanh chóng phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.
“Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này có thể gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Loại vi khuẩn này tồn tại có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể không thể chống lại vi khuẩn này một cách hiệu quả”, ông Nay Phi La thông tin.
Tại Việt Nam, ca bệnh Witmore đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925, sau đó xuất hiện tại các địa phương trong cả nước và gia tăng trong thời gian gần đây. Tại Đắk Lắk, đây là ca bệnh Whitmore đầu tiên được ghi nhận từ trước đến nay.