Đã tìm ra nguyên nhân 72 học sinh tiểu học Hà Nội bị ngộ độc

Thứ Năm, 30/03/2023, 12:58

Sáng 30/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.

Sau khi xác định nguyên nhân khiến 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà, quận Thanh Xuân tiếp tục chỉ đạo điều tra tại bếp ăn Trường Tiểu học Kim Giang, trong đó, rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó chấn chỉnh không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm như trên.

Trước đó, vào khoảng 6h45 ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh, địa chỉ tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đã có kết quả nguyên nhân khiến 72 học sinh tiểu học ở Hà Nội ngộ độc -0
Các học sinh được điều trị tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai.

Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Ngoài ra, trong quá trình đi trải nghiệm, học sinh có mang theo đồ ăn vặt, nước uống từ nhà đi và sử dụng nước uống đóng chai 19 lít của trang trại Cánh Buồm Xanh. Khi về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tại, 68/72 trẻ bị ngộ độc thực phẩm đã xuất viện. Trong số 4 trẻ còn lại, có 2 trẻ đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Xây dựng và 2 trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Dự kiến, chiều nay, 4 trẻ này sẽ được ra viện. Hiện, sức khỏe của tất cả các trẻ đã ổn định.

Trước đó, vào tối qua (28/3), Bệnh viện Bạch Mai thông tin, tất cả 38 học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Kim Giang vào nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa đã được xuất viện. 

Các học sinh này vào Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nôn nhiều, đau bung, mệt, một số học sinh có ỉa chảy, sốt. Tất cả 38 bệnh nhi đều có tình trạng mất nước, 70% có rối loạn điện giải các mức độ.

Về nguyên nhân dẫn đến việc tiêu chảy và nôn hàng loạt của các bệnh nhi, theo TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, căn cứ đặc điểm triệu chứng của trẻ cho thấy đây là vụ ngộ độc thực phẩm do kết hợp nguyên nhân ngoại độc tố vi khuẩn và nhiễm khuẩn.

Trong trường hợp này các độc tố vi khuẩn thường là các độc tố của vi khuẩn tụ cầu hoặc của vi khuẩn Bacillus cereus, gây nên các triệu chứng tiêu hóa và mất nước là chính và kết thúc nhanh khi điều trị. Đồng thời, trong thực phẩm có thể có lẫn các vi khuẩn, phổ biến là các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, khi vào cơ thể phát triển và gây nhiễm trùng (sốt, thay đổi xét nghiệm) ở một số trẻ. Các bác sỹ cũng nhận định chưa thấy các biểu hiện về nguyên nhân do hóa chất.

TS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo, các cha mẹ nên nhắc nhở các con thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi; rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và trước khi ăn. Trường hợp các cháu có xuất hiện nôn, tiêu chảy kèm sốt không rõ nguyên nhân thì nên đưa các cháu đến viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh việc các cháu bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải, trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Trần Hằng
.
.
.