Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho điều trị F0 tại nhà
Những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 tại TP Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày số ca mắc COVID-19 đều trên 900 ca, với hàng trăm ca mắc cộng đồng. Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, các cơ sở y tế điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố đã quá tải. Việc đẩy mạnh theo dõi, điều trị F0 tại nhà là việc cần thiết thời điểm này.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng, liên tiếp những ngày qua số ca mắc COVID-19 trong vòng 24h tại Đà Nẵng đều vượt 900 ca. Cụ thể, trong ngày 21/1 Đà Nẵng ghi nhận 964 ca mắc COVID-19, có đến 611 ca cộng đồng, chưa cách ly. Trong số các ca chưa cách ly, có 331 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khám bệnh, xét nghiệm; 155 ca test nhanh dương tính được trạm y tế các phường, xã lấy mẫu; 101 ca lấy mẫu tiểu thương các chợ Cẩm Lệ, chợ Hàn, chợ Mới, chợ đầu mối Hoà Cường, chợ Miếu Bông, chợ Quang Thành; 11 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và 13 ca về từ ngoại tỉnh. Một số địa phương đang trở thành điểm nóng, với số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thành phố, như: Cẩm Lệ (214 ca), Liên Chiểu (168 ca), Sơn Trà (135 ca), Thanh Khê (113 ca)…
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế điều trị COVID-19 có khả năng quá tải. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai tiếp nhận theo dõi, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà là việc cần thiết thời điểm này.
Theo ngành Y tế Đà Nẵng, hiện có đến 99% số bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Đây chính là điều kiện phù hợp để theo dõi, điều trị tại nhà. Để giảm tải cho các cơ sở y tế điều trị người mắc COVID-19, ngành y tế thành phố cũng vừa ban hành quy định hướng dẫn phân loại bệnh nhân điều trị F0. Theo đó, chỉ những bệnh nhân thuộc một số đối tượng, điều kiện cụ thể mới chuyển lên cơ sở y tế, còn lại là điều trị tại nhà. "Nếu trước đây các địa phương khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19, sẽ chuyển bệnh nhân một cách ồ ạt lên cơ sở y tế, thì nay ngược lại, phải xem xét các điều kiện cụ thể và chuyển bệnh nhân có chọn lọc", bác sĩ Thủy cho biết.
Trước đó, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có văn bản khẩn hướng dẫn phân loại, thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà hoặc nơi lưu trú. Ngành y tế yêu cầu UBND các quận, huyện, địa phương chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và nhân lực để thiết lập các trạm y tế lưu động trên địa bàn, bảo đảm công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú, trong đó đặc biệt chuẩn bị đủ nguồn nhân lực. Sở Y tế quy định F0 khi được phát hiện phải được nhân viên y tế đánh giá ngay về tình trạng cấp cứu, mức độ nguy cơ, xem xét cách ly phù hợp…