Đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa?

Thứ Hai, 02/05/2022, 07:59

Việt Nam đã mở cửa trở lại các hoạt động, đón khách du lịch và các chuyến bay thương mại. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục giảm mạnh, còn hơn 8.000 F0/ngày; ca bệnh nặng và tử vong tiếp tục giảm sâu, cả nước chỉ còn hơn 500 bệnh nhân nặng đang điều trị, đặc biệt ngày 29/4 chỉ ghi nhận 1 ca tử vong - mức thấp nhất trong gần 1 năm qua.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và vấn đề đặt ra là: đã đến lúc đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành hay chưa?

Làn sóng Omicron, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với số ca mắc mới có ngày lên tới trên 32.000 F0. Sau 3 tháng “cao điểm”, Hà Nội hiện có hơn 900 ca mắc mới/ngày, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong rất thấp. Cả Thủ đô chỉ còn hơn 200 bệnh nhân đang phải điều trị ở bệnh viện; trong nhiều ngày qua, không ghi nhận ca tử vong nào.

Đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa? -0
Mặc dù Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19 nhưng người dân không nên chủ quan trong phòng, chống dịch. Ảnh: CTV

Các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã trở về hoạt động khám chữa bệnh bình thường. Riêng Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhiều ngày qua hầu như không còn cấp cứu ca COVID-19 nặng, nguy kịch, mà chỉ còn rất ít bệnh nhân ở mức trung bình vào nhập viện.

Với việc dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát, thời điểm này đã chuyển COVID-19 sang bệnh lưu hành được hay chưa? Tại cuộc Họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2022 tổ chức vào chiều 29/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay, trên thế giới chưa có nước nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Nhưng một số nước như Anh, Đan Mạch... đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch như không bắt buộc cách ly F1, không đeo khẩu trang… Một số nước dần coi là bệnh lưu hành như Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha… khi căn cứ vào chỉ số tử vong thấp, tỷ lệ bệnh nặng nhập viện thấp.

Tuy Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và có thể xuất hiện biến chủng mới của virus. Việt Nam đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành. Bộ Y tế đang xây dựng biện pháp ứng phó để điều chỉnh phù hợp, như điều chỉnh giữa các ca bệnh, hướng dẫn cách ly F1, tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu.

Theo Thứ trưởng Tuyên, dù dịch đã được kiểm soát tốt và Việt Nam có độ bao phủ vaccine rất lớn nhưng độ mở cửa cũng đang rất lớn, nên người dân không nên chủ quan phòng, chống dịch. Ở thời điểm hiện nay, vẫn phải áp dụng biện pháp phòng dịch 5K, trong đó có 2K là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn phải thường xuyên; 3K còn lại là khai báo, khoảng cách, không tụ tập đông người sẽ linh hoạt hơn, tùy từng đặc thù của địa phương, đơn vị, bộ ngành thì áp dụng cho phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 30/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, dịch COVID-19 giảm mạnh trong thời gian qua là do tỷ lệ tiêm vaccine cao, người đã nhiễm COVID-19 nhiều, Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch. Hiện nay, nước ta đang kiểm soát được số ca mắc nặng và tử vong khi 2 tháng qua số mắc vẫn cao nhưng chuyển nặng và tử vong không nhiều. Theo ông Phu dự báo, kết thúc kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, số ca mắc mới sẽ tăng nhẹ nhưng không đáng lo ngại bởi tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa? -0
Người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch khi đi du lịch. Ảnh minh họa.

Đồng ý với quan điểm của Bộ Y tế, PGS Phu nói, thời điểm này chưa nên đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Lý do vì COVID-19 vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới. Ông cho biết, Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản: Biến chủng COVID-19 nặng lên và biến chủng nhẹ đi, chưa thể đoán được, nên vẫn cần 2 kịch bản đó. WHO cho rằng các quốc gia vẫn phải cảnh giác, chưa đưa COVID-19 về bệnh lưu hành. Vì vậy, Việt Nam vẫn coi COVID-19 như đại dịch, tiếp tục theo dõi tình hình trên thế giới, đánh giá đúng nguy cơ dịch để có thể đáp ứng kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro, nới lỏng nhưng không buông trôi thả lỏng. Mở cửa đồng bộ nhưng vẫn dự phòng đồng bộ. WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia phải cẩn trọng, bởi vaccine không có hiệu quả bảo vệ 100%, mà chỉ giảm nhẹ và giảm tử vong. Do vậy, số ca mắc mới giảm nhưng chưa thể đưa về bệnh thông thường. “Tuy nhiên hiện nay chúng ta đã rất linh hoạt trong đáp ứng với dịch, không cứng nhắc bởi vẫn coi COVID-19 là bệnh đặc thù. Chúng ta không quá chủ quan, lơ là nhưng không quá sợ sệt mà cấm đoán tất cả”, ông Phu nói.

Chuyên gia khuyến cáo người dân đi du lịch trong dịp nghỉ lễ vẫn phải tiếp tục biện pháp phòng bệnh, đặc biệt với người già, người chưa tiêm chủng, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch. Lý do bởi những người này nếu mắc COVID-19 vẫn có thể bị nặng. Đối với người đã nhiễm COVID-19 rồi không được chủ quan vì vẫn tái nhiễm, khi đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tổn hại về kinh tế. Người chưa tiêm vaccine, người đến lịch tiêm vaccine tiếp tục tiêm, bởi cho đến nay, vaccine vẫn là “vũ khí” hiệu quả nhất để phòng COVID-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Để đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B phải căn cứ vào diễn biến của dịch. Khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B người bệnh COVID-19 không được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí điều trị nữa, mà người dân phải trả tiền hoặc hưởng BHYT như khám chữa bệnh thông thường. Vì vậy, khi chuyển sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương. Nếu chuyển sang nhóm B cần nghiên cứu chính sách sao cho phù hợp để người nghèo có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế.

Trần Hằng
.
.
.