Đã có 21 ca tử vong vì tay chân miệng
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ, số mắc tăng 75,4%, số tử vong tăng 18%.
Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 5.250 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 75,4%, số tử vong tăng 18%.
Ca tử vong gần đây nhất là bệnh nhi 3 tuổi, trú tại Cà Mau. Bé có biểu hiện sốt, mệt được chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị, nhưng diễn tiến ngày càng nặng, được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 và phải thở máy.
Sau 2 ngày thở máy, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng chỉ sau 15 phút nhập viện, bệnh nhi đã ngưng tim và tử vong.
Không chỉ gia tăng mắc ở khu vực phía Nam, tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng cũng có xu hướng tăng. Nếu như đầu tháng 9, ghi nhận 70 trường hợp mắc/tuần thì cuối tháng 9 tăng lên 139 ca/tuần. Sở dĩ số ca mắc tăng là do học sinh đã vào năm học, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh nhanh.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện Tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.