Cứu sống trẻ 12 tháng tuổi bị u nguyên bào thận hai bên
Chiều 11/4, Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện St. Jude Children’s Research Hospital ở Mỹ điều trị thành công ca u nguyên bào thận hai bên cho bệnh nhi Trần Nguyễn Th. Ng (12 tháng tuổi, trú ở tỉnh Kon Tum).
Trước đó, ngày 27/10/2021, cháu Ng có triệu chứng bụng chướng căng, nôn sau bú nên được gia đình chuyển đến Trung tâm Nhi, Bệnh viện T.Ư Huế. Tại đây, cháu được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán bị u nguyên bào thận hai bên với kích thước các khối u u thận phải 15x10,5x9 cm; u thận trái 3,2x2,0x3,4 cm.
Lúc này, bệnh nhi được hội chẩn đa chuyên khoa tại Bệnh viện và hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia quốc tế, trong đó có GS. Davidoff Andrew, Trưởng khoa ngoại, Bệnh viện St. Jude Children’s Research Hospital để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu.
Tiếp đó, bệnh nhi được tiến hành điều trị hoá chất tại Bệnh viện T.Ư Huế giúp thu gọn khối u trước khi phẫu thuật. Sau liệu trình điều trị 12 tuần, bệnh nhi được chụp CT Scan đánh giá lại, khối u thận phải có nhỏ lại với kích thước 14x10x9,3 cm, và khối u thận trái: 2,3x2,2x1,4 cm.
Xác định trường hợp bệnh của cháu Trần Nguyễn Th. Ng phức tạp, việc phẫu thuật bảo tồn thận không đơn giản, nhiều nguy cơ sau mổ như chảy máu, suy thận cấp có thể xảy ra. Vì thế các chuyên gia của hai Bệnh viện đã quyết định đưa cháu Ng đến Bệnh viện St. Jude Children’s Research Hospital để phẫu thuật. Toàn bộ chi phí phẫu thuật, ăn ở, đi lại của bé và bố mẹ đều được Bệnh viện này tài trợ.
Sau phẫu thuật, do biến chứng rối loạn đông máu nặng nên không thể đóng ổ bụng ngay sau mổ cho cháu. Với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ , bác sĩ hồi sức sau mổ có trình độ chuyên môn cao, kết hợp các phương tiện hồi sức hiện đại, sau gần 1 tháng điều trị, cháu Ng đã hồi phục sức khỏe. Kết quả phẫu thuật và điều trị sau mổ thành công đã giúp bảo tồn được 1/2 thận phải và 3/4 thận trái của cháu bé.
Theo các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế, u nguyên bào thận là loại u ác tính hay gặp nhất trong số các khối u nguyên phát của thận ở trẻ em. Trong đó u nguyên bào thận hai bên chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 5% trong số các u nguyên bào thận. Điều trị u thận đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa gồm hóa chất, phẫu thuật và xạ trị. Nếu không bảo tồn thận được, bệnh nhân có thể suy thận và tử vong. Nếu phẫu thuật thành công, tỷ lệ sống có thể lên đến 80%.
GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, thành công trong việc cắt u bảo tồn thận hai bên cho bệnh nhi Ng là niềm vui lớn cho gia đình cháu bé cũng như toàn thể y, bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế và Trung tâm Nghiên cứu St. Jude tại Mỹ. Thời gian tới, bệnh nhi sẽ được tiếp tục điều trị xạ trị và hoá chất thêm 8 tuần tại Bệnh viện T.Ư Huế để hoàn thành liệu trình theo phác đồ chuẩn.