Cuộc hội ngộ đặc biệt của “những lá phổi hồi sinh”
Họ là những bệnh nhân đặc biệt khi được ghép phổi, vượt qua sinh tử và trở về cuộc sống đời thường. Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong kỹ thuật ghép tạng, khó cả về nguồn phổi hiến và người nhận phổi, cũng như chăm sóc sau ghép. Tại Việt Nam, số ca ghép phổi còn hạn chế so với ghép gan, ghép thận, ghép tim…
Tính đến nay, nước ta mới có hơn 10 ca ghép phổi. Ngày 23/9, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức cuộc gặp gỡ đặc biệt mang tên “Những lá phổi hồi sinh” của 3 người được ghép phổi vẫn sống khoẻ mạnh.
Trường hợp được ghép phổi mới nhất tại Việt Nam là bệnh nhân Trịnh Thị Hiền, 39 tuổi, ở Bắc Ninh. Chị Hiền mắc bệnh phổi hiếm gặp, cuộc sống chỉ tính bằng tháng, biện pháp duy nhất để cứu tính mạng cho chị là ghép phổi. May mắn thay, chị được nhận phổi từ người cho chết não được điều phối tạng từ Bệnh viện Việt Đức đến Bệnh viện Phổi Trung ương vào ngày 2/4 vừa qua.
Tại cuộc gặp gỡ, chồng chị Hiền – anh Nguyễn Minh Hạnh cho biết: “Khoảng đầu năm 2024, vợ tôi có cảm giác tức ngực, khó thở. Đi khám ở Bệnh viện TP Bắc Ninh, bác sĩ chỉ phát hiện tràn dịch màng phổi. Điều trị vẫn không đỡ, vợ tôi lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh khám tiếp và cũng được chẩn đoán bệnh như trên. Sau đó, vợ tôi điều trị mãi không tiến triển, gia đình xin chuyển cho cô ấy lên Bệnh viện Phổi Trung ương. Tại đây, bác sĩ thông báo vợ tôi ngoài tràn dịch màng phổi, còn mắc bệnh hiếm gặp là Lymphangioleiomatomatosis (LAM), hay còn gọi bệnh phổi đột lỗ, làm cả gia đình hết sức hoang mang, lo lắng”.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh LAM là một sự tăng trưởng không đau của tế bào cơ trơn xung quanh phổi, các mạch máu phổi, mạch bạch huyết và màng phổi. Đây là bệnh hiếm gặp và chỉ xảy ra ở phụ nữ trẻ. Triệu chứng của bệnh là khó thở, ho, đau ngực và ho ra máu; tràn khí màng phổi tự phát là phổ biến.
“Bác sĩ trao đổi có 2 phương pháp để can thiệp cho vợ tôi. Một là vá lại phổi nhưng phương pháp này chỉ được một thời gian ngắn và nguy cơ bục rất cao nếu hoạt động quá công suất lá phổi. Hai là ghép phổi, nhưng cơ hội này rất mong manh”, anh Hạnh chia sẻ.
Anh Hạnh đưa vợ về quê chờ đợi và không đặt nhiều hy vọng vì danh sách chờ ghép rất dài. Đầu tháng 4, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo có lá phổi hiến từ người cho chết não có chỉ số phù hợp với chị Hạnh. “Lúc này tôi vui mừng quá, không dám tin đây là sự thật”, anh Hạnh chia sẻ.
Tức tốc đưa vợ đến Hà Nội nhập viện và trong 2 ngày (2-3/4), chị Hiền đã được ghép phổi. “Mấy tháng sau ghép phổi, tôi mới được nhìn vợ qua cuộc gọi video. Cô ấy mới tỉnh, chưa nói được gì, chỉ chảy nước mắt vẫy tay, cả gia đình cũng không cầm được nước mắt. Tôi chỉ biết an ủi, động viên vợ, tin tưởng vào sự chăm sóc của bác sĩ và cố gắng tuân thủ để nhanh chóng hồi phục”, anh Hạnh xúc động nhớ lại.
TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đây là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn nhất, do người bệnh mắc nhiều bệnh nền nặng, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó. Khi ghép xong, bệnh nhân có tình trạng phổi trái chưa tiếp nhận máu và dinh dưỡng, khó có thể sống được. Phương pháp đặt ra là có thể phải cắt một lá phổi trái. Tuy nhiên, cả ê-kíp điều trị “còn nước còn tát”, bằng mọi giá cố gắng giữ lại lá phổi trái cho người bệnh. Quá trình hồi phục, chăm sóc hậu phẫu vô cùng phức tạp, nhưng sau rất nhiều nỗ lực, các bác sĩ đã thành công, giữ được lá phổi trái của người bệnh còn nguyên vẹn.
Theo đánh giá của Bệnh viện Phổi Trung ương, đây là ca ghép phổi mang đến “nhiều thử thách” cho đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế. Sau khi 2 lá phổi ổn định, các bác sĩ cho người nhà vào chăm sóc chị Hiền, động viên tinh thần để người bệnh nhanh hồi phục. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng sức khoẻ của nữ bệnh nhân đã hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện.
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Xuân Toại (Thanh Hoá), trường hợp ghép phổi sống lâu nhất tại Việt Nam chia sẻ, năm 2020, ông được ghép phổi nhờ người cho chết não. Bốn năm qua, cuộc sống của ông đã hồi sinh, tự đi lại, tự chăm sóc bản thân, được chứng kiến con trai lấy vợ, việc mà trước đây khi còn bị bệnh, ông không dám ao ước. Ông mong muốn kỹ thuật ghép phổi tại Việt Nam ngày càng phát triển, để có nhiều người bệnh được ghép phổi như ông.
Vào ngày 30 Tết vừa qua, nữ sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên - Nguyễn Anh Thư (quê ở Bắc Kạn) được GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E ghép phổi thành công. Em đã được tái sinh từ lá phổi của nam thanh niên chết não hiến tặng. Tại buổi gặp mặt, Anh Thư khoe em đã tăng 7kg so với trước ghép phổi, cuộc sống đã bình thường trở lại, tiếp tục học năm thứ 2 đại học.
“Cả nhà em đều nghĩ, Tết vừa qua là cái Tết cuối cùng em còn có mặt trên đời. Nhưng không ngờ rằng, may mắn đã đến với em khi em được nhận phổi hiến và ghép phổi thành công. Lá phổi đó giờ đang sống khoẻ mạnh trong lồng ngực em. Em đã được thở, được sống, đi được xe máy, làm mọi việc tự phục vụ bản thân, được học tập, được làm những điều mình mơ ước”, Anh Thư vui vẻ chia sẻ.
Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, trường hợp Nguyễn Anh Thư và Trịnh Thị Hiền là 2 bệnh nhân được ghép phổi tại bệnh viện với sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF - là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ. Hiện nay, quy trình chẩn đoán, ghép phổi, điều trị trước và sau mổ… tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu…
TS.BS Đinh Văn Lượng cho biết, hằng năm trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não; trong đó, tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Hiện, Việt Nam có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến. Với quy trình ghép phổi đạt tiêu chuẩn như những nước tiên tiến trên thế giới, giờ Việt Nam mới bắt đầu bằng con số 1, 2, 3 nhưng tương lai, nước ta sẽ tiến hành nhiều ca ghép phổi thành công hơn nữa. Khi thành chương trình thường quy, ghép phổi sẽ được triển khai hằng năm, giúp cho nhiều người bệnh hồi sinh.