“Cuộc chiến” ở tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất của Hà Nội

Thứ Bảy, 18/09/2021, 08:05

Tiếng máy tít tít liên tục 24/24 giờ trong phòng ICU của Bệnh viện Thanh Nhàn đã trở nên quen thuộc nhiều tháng nay khi trung bình mỗi ngày tại Đơn vị Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Cuộc chiến tại đợt dịch thứ 4 khốc liệt nhất vào 2 tháng nay, khi số ca mắc của Hà Nội tăng cao, có ngày lên tới hơn 100 bệnh nhân.

Đặc biệt, trong những ngày qua, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch của Hà Nội được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn - bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 của Thủ đô, trong đó có 80% bệnh nhân bị tổn thương phổi, nhiều bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền cũng rơi vào nguy kịch.

Quá tải bệnh nhân nặng

Ngày 17/9, tại Đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) điều trị COVID-19 của Bệnh viện Thanh Nhàn có 40 bệnh nhân nặng đang điều trị. BS Phạm Huy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực cho biết, vào thời gian cao điểm, tại đây điều trị 135 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong những ngày vừa qua, tại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền mắc COVID-19 ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung vào trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Theo BS Khánh, ở đợt dịch thứ tư, đa phần bệnh nhân nhiễm biến thể Delta nên bệnh nặng hơn các đợt dịch trước. Triệu chứng nặng xuất hiện rầm rộ hơn, nhanh hơn, vào ngày thứ 4, 5, 6 đã xuất hiện khó thở. Đây là đợt dịch có số lượng bệnh nhân nhập viện nhiều nhất, bệnh nhân nặng cũng nhiều nhất so với tất cả các đợt dịch trước.

"Tại Đơn vị ICU mỗi ngày tiếp nhận 15-20 bệnh nhân nặng, cả người già và người trẻ không có bệnh lý nền đều có triệu chứng nặng lên. Điển hình là trường hợp bệnh nhân nguy kịch Hoàng Văn Ngọc, 48 tuổi, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, sau khi can thiệp bằng các kỹ thuật cao khác không thành công, cuối cùng chúng tôi phải can thiệp kỹ thuật đỉnh cao là chạy ECMO", BS Khánh chia sẻ.

“Cuộc chiến” ở tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất của Hà Nội -0
Bệnh nhân Ngọc và ekip bác sĩ, điều dưỡng đã triển khai kỹ thuật ECMO và cứu chữa anh suốt 50 ngày qua.

Anh Hoàng Văn Ngọc là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên can thiệp ECMO của Hà Nội khỏi bệnh sau 50 ngày nhập viện và điều trị hồi sức tích cực, nhiều lần bên bờ vực sinh tử. Trong khuôn viên bệnh viện, anh Ngọc chia sẻ với phóng viên: Tôi không nghĩ mình còn sống và khỏe mạnh lại như bây giờ. Sau bao ngày kích thích vật vã, không thở nổi, sau đó là hôn mê, tôi tỉnh lại và dần dần hồi phục. Có được sức khỏe như bây giờ, tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã tái sinh ra tôi.

ThS.BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: "Trong quá trình điều trị, bệnh nhân Ngọc không đáp ứng với phương pháp như lọc máu hấp thụ, thở ôxy dòng cao. Tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh, tổn thương phổi nặng, suy hô hấp".

Thời khắc quyết định can thiệp ECMO ngay trong đêm 8/8 là khi bệnh nhân gần như ngừng tim, chỉ số SpO2 dưới 55%, mạch có biểu hiện chậm. Đặc biệt chỉ số huyết áp không đo được. Các bác sĩ phải nhanh chóng dùng hỗ trợ các loại thuốc vận mạch, đặt ống nội khí quản sớm và quyết định chạy ECMO coi như biện pháp cuối cùng với hy vọng cứu sống người bệnh.

Đến ngày thứ 3, tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi ôxy trong máu đã có tín hiệu tăng dần nhưng phổi vẫn bị tổn thương nặng, đông đặc, xơ hóa. Dần dần, bệnh nhân có sự hồi phục, ôxy trong máu lên, huyết áp ổn định hơn. Các bác sĩ quyết định dừng an thần để đánh giá ý thức và thấy bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ. Lúc này các bác sĩ mới thở phào vì quyết định can thiệp ECMO đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân. Sau gần 50 ngày nằm viện, anh Hoàng Văn Ngọc đã khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm âm tính và ngày 17/9 được ra viện. 

Cần nhiều nhân lực hồi sức tích cực

Tính đến trưa 17/9, Hà Nội đã có 3.882 ca mắc COVID-19 ở đợt dịch thứ 4. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, có khoảng 5-6% bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển biến nặng được điều trị ở tầng 3, 40-50 bệnh nhân phải can thiệp thở máy. Hà Nội đã ghi nhận 31 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 1%. Ngay từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Sở Y tế Hà Nội đã kích hoạt Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai nhiệm vụ tuyến cuối của Hà Nội điều trị COVID-19 nặng. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất đến nay phải can thiệp ECMO. Với thành công này, ông Hưng khẳng định, nguồn lực y tế Thủ đô sẵn sàng đáp ứng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra tại Hà Nội.

Nói về quá tải bệnh nhân nặng ở đợt dịch lần này, BS Phạm Huy Khánh cho biết, Bệnh viện Thanh Nhàn hiện có 160 bệnh nhân đang điều trị, bệnh viện đã mở rộng các tầng khác để giảm tải cho đơn vị ICU. Nhân lực hồi sức cấp cứu của bệnh viện không quá nhiều, ngoài điều trị COVID-19 còn phải điều trị cho bệnh nhân cấp cứu hồi sức khác nên vẫn thiếu.

“Cuộc chiến” ở tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất của Hà Nội -0
Các bác sĩ đang triển khai đặt ECMO cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, đây là bệnh viện tuyến cuối được Hà Nội chỉ định điều trị bệnh nhân COVID, hầu hết ca nằm tại đây nặng, nguy kịch, có nhiều bệnh lý nền và đã có rất nhiều trường hợp nặng, nguy kịch được cứu sống. Đến nay Bệnh viện Thanh Nhàn đã điều trị cho 604 trường hợp F0. Hiện bệnh viện có một dàn máy can thiệp ECMO. Trong quá trình triển khai, Bệnh viện đã nhận được sự tư vấn về chuyên môn rất sát sao của các chuyên gia đầu ngành tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

"Tư tưởng đầu tiên chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng là dương tính. Nhưng trước khi điều trị bệnh nhân COVID-19, chúng tôi được tập huấn ít nhất 3-4 đợt nên hiện tại không có bất cứ bác sĩ, nhân viên y tế nào nhiễm COVID-19. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, mặc quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ, mất nước, kiệt sức có xảy ra, nhưng các bệnh nhân đều có cơ hội sống sót nên chúng tôi hết sức cố gắng", BS Khánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, Hà Nội chia thành 3 tầng điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân tầng thứ 3, tỷ lệ tử vong rất cao. Trong đó có bệnh nhân thở máy, lọc máu, chạy ECMO. Tỷ lệ thành công trong ECMO rất thấp. Phải nói, cuộc chiến cứu bệnh nhân khỏi biến chứng nặng của COVID-19, chạy ECMO là biện pháp cuối cùng. Dịch ở Hà Nội còn nhiều phức tạp, không thể lường trước, vì vậy, TP đã xây dựng kịch bản với 40.000 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 32.000 trường hơp tầng 1 - tầng nhẹ và không biến chứng; 8.000 trường hợp tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch. Hiện TP đã sẵn sàng kích hoạt kịch bản nếu dịch bùng phát rộng.

Ông Hưng khuyến cáo: Người dân cần nhận thức rõ được sự nguy hiểm của dịch COVID-19, hiểu được bệnh và biện pháp phòng bệnh như 5K, phối hợp với chính quyền địa phương trong tiêm phòng, giãn cách. Nếu mỗi người dân ý thức tốt, phòng dịch tốt, không nhiễm COVID-19, giữ an toàn cho bản thân thì gia đình an toàn, khu phố, làng xóm an toàn.

Trần Hằng
.
.
.