Cung ứng 6.000 lọ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng cho các bệnh viện
Bộ Y tế vừa nhập khẩu 6.000 lọ thuốc Immunoglobulin điều trị tay chân miệng nặng để cung ứng cho các bệnh viện, đáp ứng được nhu cầu cấp bách khi căn bệnh này đang gia tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Điều lo ngại lớn nhất là nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng như lmmunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm toàn cầu.
Với 6.000 chai thuốc Immunoglobulin được nhập khẩu về Việt Nam, trước mắt sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện. Tuy nhiên, do tình hình bệnh vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu bảo đảm cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian tới.
Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung ứng thuốc bị hạn chế, Bộ Y tế đã có sẵn phương án để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp thiếu nguồn cung để bảo đảm công tác điều trị và phòng bệnh.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện nay, các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua có tình trạng thiếu cục bộ thuốc tiêm truyền tĩnh mạch Immunoglobulin.
Immunoglobulin là thuốc sinh phẩm, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đặc biệt là huyết tương trong máu người. Do đó, việc sản xuất thuốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu.
Theo thông tin từ các cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đi hiến máu giảm xuống đáng kể dẫn đến tình trạng nguồn nguyên liệu sản xuất Immunoglobulin cũng bị hạn chế trong thời gian dài. Do đó, số lượng thuốc sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị trên phạm vi toàn cầu.
Tnh hình bệnh tay chân miệng tại Việt Nam năm nay diễn biến khá phức tạp, các ca bệnh nặng tăng cao so với các năm trước nên nhu cầu sử dụng thuốc Immunoglobulin cũng tăng đột biến.
Bộ Y tế đã liên tục có các hướng dẫn về chuyên môn, đôn đốc công tác phòng chống dịch, đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc cho điều trị bệnh tay chân miệng... Đồng thời yêu cầu tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất ca tử vong.