COVID-19 bùng phát mạnh, tiêm vaccine có đạt miễn dịch cộng đồng?

Thứ Bảy, 05/03/2022, 08:17

Việt Nam chỉ còn 1/63 tỉnh có tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 dưới 90%. Nhiều tỉnh, thành phố tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 98%, việc triển khai tiêm mũi 3 và mũi tăng cường cũng đã cao. Song trước biến chủng Omicron đang hoành hành, rất nhiều người tiêm vaccine mũi 3 vẫn mắc COVID-19.

Dù tỷ lệ tiêm phòng vaccine đạt ngưỡng cao, song Việt Nam hiện đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hơn 110.000 người mỗi ngày.

Đang nghiên cứu để tiêm mũi 4 hay không

Dịch COVID-19 đang hết sức phức tạp tại Việt Nam từ Tết Nguyên đán đến nay, với số ca mắc mới tăng hàng nghìn đến hơn chục nghìn ca mỗi ngày. Tăng cao nhất là Hà Nội và một loạt các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Con số thống kê hàng ngày cho thấy, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh và sẽ lên đỉnh dịch trong một vài tuần tới khi chủng Omicron có tốc độ lây lan mạnh hơn nhiều lần so với chủng Delta. Hiện, còn một số lượng lớn F0 điều trị tại nhà nhưng không khai báo, nên con số thông kê vẫn chỉ là tương đối.

COVID-19 bùng phát mạnh, tiêm vaccine có đạt miễn dịch cộng đồng? -0
Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ số vaccine tiêm mũi 1 cho trẻ từ 15-17. Ảnh: CTV

Với số ca mắc tăng mạnh như hiện nay, Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa? Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tính theo tỷ lệ phủ vaccine phòng COVID-19, hiện nay Việt Nam đã có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu đúng theo miễn dịch cộng đồng thì phải đủ khả năng bảo vệ của cơ thể khi có sự xâm nhập của virus. Nhưng đến giờ, rất nhiều người tiêm đủ liều vẫn nhiễm COVID-19, như vậy vẫn chưa đạt được hiệu quả bảo vệ.

Thứ trưởng Bộ Y tế so sánh: Nếu các chủng virus trước đây, khi đã được tiêm vaccine thì sẽ không có khả năng bị tái nhiễm, ví dụ như bại liệt, ho gà, bạch hầu… Nhưng với chủng virus SARS-CoV-2 (biến chủng Omicron) này, dù tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị nhiễm. Nhưng cũng phải khẳng định, nếu tiêm vaccine thì tỷ lệ nhập viện, bệnh nặng và tử vong vẫn khống chế được. Đây là một ưu điểm cần cân nhắc trong thời điểm biến chủng Omicron vẫn đang hoành hành hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, biến chủng Omicron xâm nhập hiện nay sẽ tạo nên một làn sóng mới, nhưng đặc tính bệnh nhẹ hơn so với biến chủng cũ, điều này có tạo nên miễn dịch cộng đồng? Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, với virus SARS-CoV-2, miễn dịch tự nhiên có nhưng khác với các chủng khác là không bền vững.Vì vậy, việc tiêm chủng để củng cố lại sau đáp ứng miễn dịch tự nhiên bằng miễn dịch chủ động (tiêm vaccine) là cần thiết để đạt hiệu quả bảo vệ.

Theo đánh giá của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine vẫn được coi là biện pháp cơ bản tạo miễn dịch cộng đồng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế vừa có cuộc họp để chuẩn bị cho một nghiên cứu nhanh đánh giá về đối tượng nguy cơ, đối tượng nhiễm lại để xem khả năng đáp ứng miễn dịch của họ như thế nào. Trên cơ sở đó có đề xuất liệu có nên tiêm tăng cường mũi nhắc lại thứ 2 (hay còn gọi mũi 4) hay không.

Để quyết định điều này phải dựa trên cơ sở khoa học của các chuyên gia từ WHO và hiện họ đang khuyến cáo Việt Nam nên có một nghiên cứu riêng để vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của mình, vừa củng cố thêm kho tàng dữ liệu của thế giới. Việt Nam cũng đã đề nghị hỗ trợ để tiến hành nghiên cứu và sau khi nghiên cứu xong sẽ quyết định có tiêm mũi thứ 4 hay không, đặc biệt với các đối tượng nguy cơ cao có bệnh nền, có bệnh lý suy giảm miễn dịch và người cao tuổi.

COVID-19 bùng phát mạnh, tiêm vaccine có đạt miễn dịch cộng đồng? -0
Vaccine làm giảm bệnh nặng, giảm tử vong, nhưng nhiều người tiêm mũi 3 vẫn mắc COVID-19.

Khó khăn trong đáp ứng y tế

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã có trên 3,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,5 triệu người khỏi bệnh. Trong những ngày qua, số ca mắc mới tiếp tục tăng rất cao, lên đến 118.790 ca vào ngày 3/3, tuy nhiên, số ca bệnh nặng chỉ có 3.840 ca, trong đó chỉ có 9 ca phải chạy ECMO; số tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 95 ca.

Theo các chuyên gia, hiệu quả của vaccine đã rất rõ rệt, giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Tuy nhiên, nếu để số ca mắc mới tiếp tục tăng cao, số bệnh nhân nặng sẽ tăng lên, lúc đó gây quá tải hệ thống y tế, nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Vậy giải pháp chống dịch có thay đổi gì so với trước đây hay không? Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hệ thống y tế hiện vẫn tiếp tục củng cố để đáp ứng việc điều trị, nhằm mục tiêu hạn chế số nhập viện, nặng và tử vong. Nếu coi COVID-19 như cúm mùa, không cần điều trị gì là không thể được. Trong lúc chờ đợi những điều chỉnh về chính sách, hệ thống y tế vẫn căng mình tiêm chủng, tăng cường các bệnh viện điều trị COVID-19…

Theo nhận định của Thứ trưởng, trong thời gian tới sẽ có nhiều khuynh hướng như: Có thể giảm cấp độ dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng những điều chỉnh này cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học và thực tiễn, không thể nhìn qua sơ lược tình hình dịch mà đưa ra quyết định ngay được. Hiện ngành Y tế vẫn đang theo dõi, chuẩn bị những dữ liệu cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục đánh giá miễn dịch cộng đồng. Với đối tượng chưa được tiêm chủng vẫn cần tiếp cận với những loại vaccine có thể tiêm chủng được, nhất là với các em nhỏ từ 5 - 11 tuổi…

Bộ Y tế đang đốc thúc các địa phương tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tiêm chủng cho người đến lịch tiêm mũi 3, mũi tăng cường, đặc biệt phải tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai; trẻ em 12-17 tuổi và tiến tới tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi.

Tr. Hằng
.
.
.