COVID-19 biến thể JN.1 xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh nguy hiểm đến mức nào?

Thứ Tư, 24/01/2024, 10:11

Biến thể phụ JN.1 được phát hiện ở các bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tháng 12/2023 tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là biến thể phụ làm gia tăng số ca mắc và tử vong tại một số nước trên thế giới, trong đó có Thái Lan.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/1, các bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận 94 ca COVID-19 điều trị nội trú. 

Trong đó, 17 ca nặng phải thở oxy, không có ca tử vong do COVID-19. Các ca nặng đều thuộc nhóm có bệnh nền nặng và chưa tiêm đủ mũi vaccine COVID-19.  

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gen từ bệnh phẩm của 16 bệnh nhân COVID điều trị trong tháng 12/2023.

Biến thể JN.1 xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh có nguy hiểm? -0
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Kết quả cho thấy 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1, có 2 ca BA.2.86.1 và 1 ca XDD.

Trong 6 tuần qua, số ca COVID-19 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có xu hướng gia tăng dần, theo Sở Y tế TP, đây là dấu hiệu đáng lo ngại.

Trên thế giới, biến thể phụ JN.1 làm tăng ca mắc và tử vong tại nhiều quốc gia. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Tháng 12/2023, CDC Hoa Kỳ báo cáo biến thể JN.1 đang phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ. JN.1 được WHO phân loại là "biến thể đáng quan tâm" từ ngày 18/12/2023 vì biến thể này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, WHO đang theo dõi 5 biến thể cần quan tâm gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12 thì ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm khác đều đã phát hiện tại TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, biến thể phụ JN.1 có đặc điểm lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng gây ra bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Do dễ lây truyền nên nó đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu. WHO cho đây là biến thể đáng quan tâm và đang theo dõi. Việt Nam cũng đang tiếp tục theo dõi biến thể phụ này.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết, trong thời gian tới đây, người dân sẽ đi lại nhiều trong dịp Tết và lễ hội, vì vậy, cần thực hiện biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên khi đến nơi có nguy cơ (cơ sở y tế, nơi tập trung đông người). Đặc biệt, những người có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch... phải chú ý phòng bệnh khi đến những nơi trên, bởi không chỉ có COVID-19, mà mùa Đông – Xuân còn có nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sởi, tay chân miệng,…Người có triệu chứng nghi ngờ vẫn phải đeo khẩu trang, người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ cũng phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Trần Hằng
.
.
.