Có nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine đi lại trong thời gian giãn cách?

Thứ Hai, 06/09/2021, 07:37

Tính đến ngày 5/9, Việt Nam đã có hơn 21 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 18 triệu người được tiêm mũi 1 và hơn 3 triệu người tiêm mũi 2. Có một số ý kiến cho rằng, tại một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên “nới lỏng” cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc đã nhiễm COVID-19 khỏi bệnh để họ đi lại và làm việc trong điều kiện giãn cách, tuân thủ 5K. 

Về điều này, hiện nay vẫn còn có những tranh luận trái chiều giữa hai luồng ý kiến. Theo một chuyên gia dịch tễ, Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Song, lượng vaccine về Việt Nam còn hạn chế nên số người được tiêm chủng vẫn ít, còn xa mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng vaccine COVID-19. Nếu để người đã tiêm 2 mũi vaccine trong vùng giãn cách đi lại, vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác.

Hiện nay, cả nước chỉ có TP Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, khoảng hơn 6 triệu người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ khoảng 88% và gần 400.000 người tiêm mũi 2. Một số tỉnh phía Nam cũng đang tăng tốc tiêm vaccine. Trong khi đó, Hà Nội đang là vùng dịch, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm được hơn 1,13 triệu liều vaccine, trong đó có hơn 1 triệu liều mũi 1 và hơn 46 nghìn liều mũi 2. Để quyết tâm đưa tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới” vào ngày 15/9, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine nhằm tăng độ bao phủ, đạt miễn dịch cộng đồng.

Ngày 4/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao ngành Y tế phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tính phương án cho người dân được ra đường đối với trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine và 1 mũi vaccine được 20 ngày.

TP Hồ Chí Minh cũng đang dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế, trong đó có dự kiến áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “giấy thông hành vaccine” thay cho giấy đi đường, kết quả xét nghiệm âm tính...

Có nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine đi lại trong thời gian giãn cách? -0
Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc COVID-19.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, những người đã tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc 2 mũi vaccine hoặc mắc COVID-19 đã khỏi bệnh có thể quay trở lại công việc của mình tại các công ty, cửa hàng, nhà máy, công trình... Công ty nào có tỷ lệ người lao động tiêm vaccine cao có thể cho trở lại làm việc, cửa hàng nào nhân viên có giấy chứng nhận tiêm vaccine có thể cho trở lại buôn bán. Những nhà máy, công trình xây dựng mà người lao động ở đó đã tiêm đủ ít nhất 1 liều vaccine và đã qua 14 ngày có thể quay trở lại hoạt động.

Theo chuyên gia này, với tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cao với số lượng hàng chục nghìn bệnh nhân khỏi bệnh, đã có miễn dịch cộng đồng thì TP Hồ Chí Minh có thể tính tới phương án nới lỏng giãn cách để dần hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách sẽ thực hiện từng phần và có giám sát.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung cho biết, với một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, những người đã tiêm đủ mũi vaccine và áp dụng 5K có thể trở lại cuộc sống làm việc, học tập bình thường. Đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có giấy thông hành riêng, nhưng quản lý chặt chẽ khu vực đông người. Tại khu vực tập trung ít người, mọi người đã tiêm vaccine và mắc bệnh đã khỏi có thể đi làm.

Tuy nhiên, có một số chuyên gia lại không đồng tình quan điểm trên. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) phân tích: Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Đặc biệt, người được tiêm vaccine mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch.

Phân tích sâu hơn, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc cho biết, trên thế giới, một số nước cũng áp dụng chính sách đối với những người đã hoàn thành 2 mũi vaccine, không cần đánh giá kháng thể được cho phép đi lại bình thường, thì thực tế hiện nay đang chứng minh việc áp dụng đó không ổn. “Số lượng người bị nhiễm đột phá khá cao, lên tới 40% tùy loại vaccine (vaccine có tỷ lệ nhiễm đột phá dao động từ 20% đến 40%). Đối với Việt Nam chúng ta hiện nay cũng không biết có thuộc diện có bị nguy cơ bị nhiễm đột phá hay không?”, TS Thái nói.

Theo phân tích của chuyên gia, ngay cả trong trường hợp tiêm rồi, khi bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có số lượng ngày nhất định đào thải dữ dội, dù thời gian có thể ngắn hơn với người không được tiêm. “Người không được tiêm có thể đào thải virus trong 7 ngày, nhưng người được tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể chỉ đào thải ngắn trong 3 ngày, nhưng 3 ngày đó vẫn nguy cơ. Việc hoàn thành 2 mũi tiêm chỉ có giá trị bảo vệ người khi nhiễm bệnh sẽ có tình trạng lâm sàng nhẹ, tải lượng virus thấp nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, nếu đặt ra vấn đề lịch sử đã hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 để kết luận được đi lại thoải mái rất khó", Trưởng Văn phòng tiêm chủng khu vực phía Bắc cho hay.

Để những người đã tiêm vaccine được có một quy định riêng về đi lại, TS Phạm Quang Thái cho rằng, phải đánh giá được cộng đồng người này sinh sống là an toàn. Tức là địa phương nơi người tiêm vaccine ở đã được tiêm chủng với tỷ lệ cao, đã tiêm hết cho những đối tượng như người cao tuổi, người bệnh nền thì có thể tính tới việc cho đi lại thoải mái trong vùng an toàn. Tuy nhiên, nếu trong vùng không an toàn, tỷ lệ tiêm cho người già, không có bệnh nền chỉ dưới 50% thì không thể an toàn và không thể thoải mái đi lại được. Một người chỉ có thể thoải mái đi lại khi đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính, lịch sử đi lại an toàn.

Vì thế, bên cạnh kiểm soát cá nhân về tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm âm tính của người dân, cơ quan chức năng phải kiểm tra tính an toàn của người đó qua lộ trình đã đi. Nếu họ đã từng đến điểm nguy cơ thì sẽ không an toàn.

Trần Hằng
.
.
.