Chuyên gia Y tế Đức làm việc với Bệnh viện 30-4
Sáng 4/5, nhóm các chuyên gia Y tế về điều trị bệnh thoái hoá thần kinh thuộc Trường Đại học Y Rostock, CHLB Đức đã có buổi làm việc với các bác sĩ Bệnh viện 30-4, Bộ Công an.
Buổi làm việc theo kế hoạch hợp tác đã được ký kết trước đó giữa hai bên trong chương trình “Chăm sóc sức khỏe người Việt Nam bị sa sút trí tuệ và gia đình người bệnh bằng các trị liệu không dùng thuốc” giữa Bệnh viện 30-4 và Trung tâm nghiên cứu và điều trị bệnh thoái hóa thần kinh (DZNE), Trường Đại học Y Rostock, CHLB Đức.
Chương trình thực hiện từ 10/2020 đến 9/2022 với 4 lần sẽ có các chuyên gia sang làm việc tại Bệnh viện 30-4. Tuy nhiên trong năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chuyên gia chưa sang làm việc trực tiếp với Bệnh viện.
Ngày 4/5 là ngày đầu tiên các chuyên gia sang làm việc tại BV 30-4. Đợt làm việc sẽ kết thúc vào 6/5/2022.
Trong sáng 4/5, đoàn chuyên gia gồm Tiến sĩ Ingo Kilimann và Tiến sĩ Chuyên gia Tâm lý Sarah Antonia Weschke đã có các hoạt động trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc người bệnh với các BS tại “Đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ” của Bệnh viện 30-4; đưa ra kế hoạch đào tạo hỗ trợ chuyên môn cho các BS Bệnh viện 30-4; trao đổi về việc thành lập Câu lạc bộ người chăm sóc…
Theo BS CK II Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng “Đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ” - Bệnh viện 30-4, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ gia tăng dân số già hoá lớn nhất thế giới. Cùng với đó là tỉ lệ bệnh Sa sút trí tuệ (SSTT) ở người già cũng ngày một tăng cao. Đơn vị Điều trị bệnh SSTT tại Bệnh viện 30-4 được coi là đơn vị đầu tiên của khu vực phía Nam triển khai tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý này.
Khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, ở độ tuổi 60 mắc bệnh này chiếm khoảng trên 5%. Nhưng cứ thêm 5 tuổi nữa sau tuổi 60 thì tỉ lệ bệnh nhân SSTT lại tăng lên gấp đôi. Lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này tại Việt Nam hiện khoảng 5.000 người.
Các bệnh nhân SSTT tới Bệnh viện 30-4 được kiểm tra thần kinh tâm lý, được điều trị theo phương pháp tiên tiến nhất hiện nay. Đáng quan tâm là đơn vị có 1 bộ phận “điều trị trong ngày” với phương pháp không dùng thuốc bằng các bài tập luyện chuyên sâu, giúp bệnh nhân cải thiện rất tốt trong việc duy trì chất lượng cuộc sống.
Hiện nay thực tế việc nhận biết căn bệnh, đưa bệnh nhân đi chữa bệnh, và chăm sóc người SSTT còn chưa được quan tâm. Trong khi đó, việc nắm bắt, biết được người nhà mắc bệnh, nắm diễn tiến bệnh để có các phương pháp hỗ trợ điều trị kịp thời cho bệnh nhân SSTT là vô cùng cần thiết. Có thể phát hiện bệnh sớm với những triệu chứng như: thường xuyên hỏi tới hỏi lui một đồ vật gì đó, hay quên sự việc vừa mới xảy ra, hay buồn, hay khóc nhiều hơn trước đây, nhầm lẫn về thời gian, không gian…