Chuyện chăm sóc bệnh nhân “mang áo số” của các bác sĩ hai màu áo

Thứ Hai, 26/02/2024, 08:51

 “Tác nghiệp” trong những điều kiện khó khăn nhưng các cán bộ làm công tác y tế của Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương vẫn cần mẫn, lặng lẽ làm nhiệm vụ. Mỗi cán bộ mang hai màu áo ấy vừa là những chiến sĩ, bác sĩ, đồng thời cũng là những “chuyên gia” tâm lý giúp các can, phạm nhân chữa lành vết thương về thể xác và tinh thần, chấp hành nghiêm các quy định của trại tạm giam.

1.Chăm sóc bệnh nhân không dễ, chăm sóc những người bệnh “mang áo số” còn khó khăn hơn nhiều Thiếu úy Phạm Thị Hương, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ với chúng tôi. Cuộc trò chuyện bị ngắt nửa chừng bởi tiếng chuông điện thoại vang lên. Nhận cuộc gọi, chị tất tả vào khu buồng giam, một lúc sau mới trở ra.

“Phạm nhân mang trong người căn bệnh HIV, lại mắc các bệnh mãn tính, tiểu đường và huyết áp cao… , nên thường xuyên phải theo dõi. Suốt đêm qua, chúng tôi phải thay phiên nhau theo dõi bệnh nhân”- chị Hương cho biết. Một ngày, như mọi ngày, Thiếu úy Phạm Thị Hương, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương và các đồng đội lại bắt đầu công việc của mình, đến từng buồng giam, khu giam để kiểm tra sức khỏe cho các can, phạm nhân đang giam giữ, cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương. Chị chia sẻ: “Cán bộ làm công tác y tế ở trại tạm giam không chỉ đơn thuần làm công việc chuyên môn là thăm, khám sức khoẻ mà còn phải là một “chuyên gia tâm lý”. Khi người phạm tội tìm được hướng đi của đời mình, yên tâm cải tạo, tôi và đồng đội cảm thấy như mình làm được một việc thật ý nghĩa.

Chuyện chăm sóc bệnh nhân “mang áo số” của các bác sĩ hai màu áo -0
Thiếu úy Phạm Thị Hương, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương chăm sóc một bệnh nhân.

Được tận mục sở thị, đồng hành cùng với các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương trong một ngày làm việc, tôi hiểu rằng nếu không có lòng yêu nghề, chắc chắn họ sẽ không thể vượt qua được những khó khăn để tận tâm, gắn bó với công việc. Cho đến bây giờ, ấn tượng về ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương vẫn in đậm trong tâm trí của Thiếu úy Hương. “Khi đó, do có sự chuẩn bị trước về tâm lý nên tôi đã thích ứng dần với môi trường làm việc và trang thiết bị ở nơi đây còn nhiều khó khăn; phương tiện phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh chỉ là những vật dụng đơn giản như máy đo huyết áp, ống nghe; việc thăm, khám bệnh chủ yếu bằng chẩn đoán lâm sàng và kinh nghiệm được học từ nhà trường” chị Hương cho biết.

Ngoài sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trong quá trình làm nhiệm vụ, Thiếu úy Hương và đồng đội còn phải đối mặt với không ít khó khăn khi bệnh nhân đều là những người phạm tội; nhiều trường hợp là đối tượng hình sự cộm cán ngoài xã hội với hàng chục nhiều án, tiền sự…, khi vào trại, đối tượng có “trăm phương, ngàn kế” để đối phó với cơ quan Công an.

Một tuần hai buổi trực, công tác ứng trực thường xuyên, liên tục 24/24h nên có những lúc vừa về đến nhà, chị và đồng đội lại vội quay ngược trở lại đơn vị; việc “thất hứa” với các con cũng là chuyện thường ngày. Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ của mình, Hương kể với tôi về qua trình cùng đồng đội “chiến đấu” với dịch bệnh COVID-19. Ở giai đoạn đầu, ai cũng có tâm lý hoang mang, lo sợ về bệnh dịch, trong khi đó trang thiết bị bảo hộ ban đầu hầu như không có… Vậy nhưng, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, chị và đồng đội vẫn lăn xả vào công việc, góp phần chặn đứng bệnh dịch tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương. Trong những thời điểm đó, có những lúc chị và đồng đội lả đi vì mệt mỏi bởi số phạm nhân bị lây chéo trong các buồng giam gia tăng. Nhiều lúc, họ nén nỗi niềm riêng tư vào lòng khi hay tin người thân bị nhiễm bệnh mà chẳng thể về nhà chăm sóc… Vào thời đó, có lúc 4 tháng chị chẳng về nhà. Những lúc nhớ con, chị chỉ biết gọi về nhà, động viên. Nhưng rồi với sự quan tâm của ban giám thị; sự đoàn kết của đồng đội, họ đã vượt qua tất cả… Niềm vui và động lực giúp chị và đồng đội gắn bó, tận tâm với nghề là khi nhận được những lời cảm ơn mộc mạc từ các can, phạm nhân đang giam giữ cải tạo.

“Tôi bị hen xuyễn, chỉ cần thời tiết thay đổi thì cơn hen lại xuất hiện… Những lúc ấy, nếu không được thở ôxy thường xuyên sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Vậy mà mấy tháng nay khi vào thăm gặp, gia đình đều khá bất ngờ về sức khoẻ của tôi”, anh Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi) tâm sự. Dù là một thanh niên đang sức dài, vai rộng nhưng Hùng lại mắc căn bệnh hen suyễn bẩm sinh. Cũng vì thế, có những lúc thời tiết đổi mùa, Hùng chỉ ngồi thở thôi cũng đã có lúc mệt. Sau khi bị bắt giữ vào trại, môi trường giam giữ chật hẹp cộng với điều kiện thời tiết diễn biên bất thường, có đêm Hùng phải cấp cứu 3 lần. Nhưng sự tận tâm, trách nhiệm của Thiếu úy Hương và các cán bộ y tế tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương đã giúp bệnh tình của Hùng có chuyển biến.

2.Trung tá Vương Mạnh Hùng, cán bộ Trại tạm giam Công an an tỉnh Hải Dương chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, tội phạm liên quan đến ma tuý bị bắt giữ vào trại gia tăng, có thời điểm chiếm tới 2/3 % số can, phạm nhân. Khi vào trại, phải “đoạn tuyệt” với ma tuý, bệnh nền của các can, phạm nhân này cũng có chiều hướng trầm trọng hơn so với người bình thường. Đó còn chưa kể đến các trường hợp “vật” thuốc, nhiều ngày không ăn, không ngủ la hét, có trường hợp tìm cách kết liễu đời mình. Nhiều trong số đó, bị người thân trong gia đình chối bỏ…, cũng chính vì thế, công tác chăm sóc y tế gần như phó mặc cho cán bộ y tế.

“Trước bác sĩ, tất cả chỉ là bệnh nhân… vì thế, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, chúng tôi luôn tận tâm, tận tình. Nhiều y, bác sĩ của Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương đã bỏ tiền túi để mua thuốc cho các phạm nhân; động viên tinh thần giúp phạm nhân nhanh chóng phục hồi sức khoẻ; hợp tác với cơ quan Công an trong quá trình điều tra vụ án”, Trung tá Hùng cho biết.

Nếu ở bên ngoài bệnh nhân cần đến bác sĩ thì ở nơi đây lại ngược lại… Công việc đối với một nam giới không dễ dàng, với các cán bộ là nữ thì còn khó khăn hơn nhiều, ngoài khó khăn, vất vả còn là áp lực va những nỗi lo thường trực. Những người làm công tác y tế của Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương là chống phạm nhân suy kiệt về sức khoẻ; có không phải ca trực cũng lo có ai bị cấp cứu ban đêm hay không? Cùng với đó, họ còn phải “đối phó” với các chiêu trò của các bệnh nhân “mang áo số”. Nhiều đối tượng bất cần đời, chán nản không hợp tác bất hợp tác. Đó còn là những nguy hiểm mà hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt khi bệnh nhân nhiễm HIV; các trường hợp mắc căn bệnh truyền nhiễm; các trường hợp giả bệnh để đưa ra bên ngoài buồng giam. Một số còn tự gây thương tích cho mình; giả ốm để không phải đi lao động… Từ quá trình công tác, bằng kinh nghiệm, những chiến sĩ, bác sĩ mang hai màu áo đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương không chỉ là “bắt bệnh” mà còn phải là chữa bệnh. Từ đó, giúp các can, phạm nhân không chỉ chữa lành vết thương về thể xác mà còn hàn gắn vết thương về tinh thần. Với những đóng góp thầm lặng của mình, họ đã đồng hành cùng các cán bộ quản giáo trong việc giáo dục và quản lý các can, phạm nhân.

Vất vả là vậy, gian nan là thế nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, những “chiến sĩ áo trắng” đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương vẫn đang từng ngày, từng giờ thực hiện tròn hai vai trách nhiệm đối với những bệnh nhân cũng là can, phạm nhân đang giam giữ, cải tạo.

Xuân Mai
.
.
.