Cho rằng Omicron không lan xuống phổi là không đúng

Chủ Nhật, 13/03/2022, 08:20

Triệu chứng của người mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron nhẹ hơn Delta, thậm chí một số người còn cho rằng biến thể này chỉ ở hầu họng chứ không lan xuống phổi như các biến chủng khác nên chủ quan.

Trong những ngày vừa qua, các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 3 của Hà Nội tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch khi nhiễm biến thể Omicron. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 500 giường ICU nhưng có thời điểm quá tải lên tới hơn 600 bệnh nhân.

Biến thể Omicron có lan xuống phổi?

Mắc COVID-19 đến ngày thứ 6, bà Nguyễn Thị H (Tây Hồ, Hà Nội) bị suy hô hấp khi chỉ số SpO2 tụt xuống 80, sau đó bà H được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Tại đây sau khi xét nghiệm máu, chụp Xquang, đánh giá lâm sàng, bác sĩ cho biết, virus đã làm tổn thương 2 phổi của bệnh nhân. Bà H được thở oxy dòng cao và điều trị tại phòng Hồi sức tích cực. Theo người nhà kể lại, khi phát hiện dương tính, triệu chứng của bà H khá nhẹ, chỉ húng hắng ho, không mất vị giác và khứu giác.

Cho rằng Omicron không lan xuống phổi là không đúng -0
Bệnh nhân có bệnh nền, đã tiêm 2 mũi vaccine, điều trị tại Bệnh viện do có dấu hiệu suy hô hấp.

Bà H đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên do có bệnh nền nên diễn biến tăng nặng nhanh và dẫn tới bệnh nhân bị suy hô hấp. “Bác sĩ nói virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh nhất là vào phổi, mà người nhà tôi vốn có bệnh nền về phổi nên tiên lượng nguy kịch. Người nhà tôi không mất mùi, vị nên chỉ đoán là nhiễm chủng Omicron, nhưng không nghĩ lại nặng đến thế”, người nhà bà H cho biết.

Theo Ths.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông tin cho rằng Omicron không lan xuống phổi là không đúng. Tất cả các biến chủng của SARS-CoV-2 đều có nguy cơ xâm nhập, tấn công vào phổi. Omicron cũng không ngoại lệ, virus có thể tấn công vào mọi vị trí của cơ thể chứ không phải chỉ xâm nhập tới cổ họng.

Theo BS Phúc, điểm khác nhau để phân biệt là ở mức độ gây bệnh nặng hay nhẹ. Các thống kê đến thời điểm hiện tại cho thấy, người mắc biến thể Omicron thường diễn biến nhẹ hơn so với bệnh nhân mắc các biến thể cũ như Delta. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch và tử vong.

Phụ nữ có thai, người có bệnh nền tiêm đủ liều vaccine vẫn nhập viện

Từ Tết Nguyên đán ra đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nước ta tăng rất cao ở các tỉnh, thành trên cả nước. Tại miền Bắc, Hà Nội vẫn dẫn đầu với hơn 30.000 ca F0/ngày, các tỉnh TP khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Vĩnh Phúc… số ca mắc cũng rất cao. Đa số F0 có triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Song, tỷ lệ nhập viện vẫn không phải là ít. Khoảng 10 ngày trước, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải bệnh nhân, hơn 600 F0 điều trị trong khi nhân lực không thay đổi.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho biết, bệnh viện luôn có 160-180 bệnh nhân nặng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chuyển đến. So với trước đây, bệnh nhân không tăng trong khi ca mắc mới tăng cao.

Các ca nhập viện chủ đạo vẫn là người già, người có bệnh nền chưa tiêm tiêm vaccine. Bên cạnh đó còn có nhóm người trẻ là những thai phụ chưa tiêm vaccine, sau mổ lấy thai có tai biến sản khoa chuyển đến, hoặc bệnh nhân có bệnh lý cấp cứu ngoại khoa về tim mạch, chấn thương, khi nhiễm COVID-19 đã chuyển nặng.

Theo BS Hải, gần đây những ca nhập viện có tổn thương phổi giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, những người chưa tiêm vaccine nhập viện đều trong tình trạng nặng. Hiện bệnh viện có 4 ca phải can thiệp ECMO, 40 ca phải thở máy xâm lấn, còn lại thở oxy (trong đó có 40-50% thở oxy gọng kính, mặt nạ).

Trần Hằng
.
.
.