Chính sách đãi ngộ trong hiến mô, tạng còn nhiều khoảng trống

Thứ Tư, 05/03/2025, 14:44

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, bệnh viện thành lập đội ngũ tư vấn hiến tặng mô, tạng, đảm bảo có chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp họ yên tâm công tác.

Tỷ lệ người hiến tạng chết não thấp nhất thế giới

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường vai trò truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng từ người hiến sau khi chết, chết não” do Trung tâm điều phối tạng Quốc gia và Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức sáng 5/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tuy mỗi năm Việt Nam ghép tạng hơn 1.000 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Hàng nghìn người bệnh vẫn chờ đợi, nhiều người không có cơ hội vì thiếu nguồn hiến. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức cộng đồng còn hạn chế, công tác truyền thông, vận động chưa thực sự hiệu quả.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiến tặng mô, tạng.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ cho người vận động hiến mô, tạng -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

"Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 19/5/2024, hàng chục bệnh viện tổ chức lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng sau chết và thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ra đời, không chỉ ở các cơ sở y tế công lập mà các cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia vô cùng mạnh mẽ. Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó, và con số thực tế ghi nhận được trong năm 2024, số người bệnh hiến tạng sau chết là 41 ca, đây là con số kỷ lục của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã tiến hành hơn 9.300 ca ghép tạng thành công tại 28 bệnh viện trên cả nước. Những ca ghép phức tạp như ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương; ghép khí quản hay ghép tim - gan đồng thời tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy trình độ y học Việt Nam tiệm cận thế giới.

Năm 2024, số người chết não hiến tạng tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước đó, 17 chi hội hiến mô tạng được thành lập trên cả nước. Nếu hiến tạng từ người chết não tiếp tục cao gấp 3 lần so với trước, mỗi năm nước ta sẽ ghép vài nghìn ca, 6-10 năm sau, Việt Nam có số ca ghép tạng cao ở khu vực châu Á.

Tuy nhiên, bà Tiến cũng đưa ra thực trạng là nhận thức về đăng ký hiến tạng còn hạn chế nên số người đăng ký hiến và số hiến tạng chết não còn thấp so với các nước.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ cho người vận động hiến mô, tạng -0
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TT)

Về nguyên nhân, bà Tiến chỉ ra do công tác truyền thông vận động còn hạn chế; cách thức để người dân tiếp cận đăng ký online hoặc trực tiếp còn khó khăn. Đặc biệt, CNTT trong quản lý đăng ký hiến tạng, danh sách chờ, điều phối ghép tạng còn hạn chế, có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Danh sách chờ ghép tạng chưa được quan tâm mở rộng. Chưa xây dựng định mức kỹ thuật, xây dựng giá, bao gồm cả hiến và ghép tạng để làm căn cứ đề xuất BHYT chi trả, dẫn đến việc thanh toán từ BHYT cho hiến và ghép tạng còn hạn chế.

Vì thế, theo bà Tiến cần sử dụng đa dạng các kênh truyền thông để phổ biến về công tác đăng ký hiến tạng, đặc biệt là truyền thông trên mạng xã hội để lan tỏa thông điệp nhân văn của hiến tạng đến đông đảo mọi người; cải tiến quy trình đăng ký hiến tạng đơn giản, thuận tiện.

Bên cạnh đó cần phải sửa đổi luật để tạo thuận lợi cho việc hiến tạng sau chết não, bảo vệ quyền lợi của người hiến và gia đình; có cơ chế chính sách hỗ trợ chi phí cho quá trình hiến và ghép tạng, cho người vận động hiến tạng; vinh danh những gia đình hiến tạng của người thân sau chết não...

Cần lấp đầy những khoảng trống

Tại hội thảo, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia thông tin: Chỉ 2 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 16 ca hiến tạng từ người chết não, là con số chưa từng có.

Để lan toả việc hiến tạng khi chết não đến đông đảo người dân, PGS Hệ cho biết, vai trò của giám đốc bệnh viện rất quan trọng. Lãnh đạo bệnh viện phải thấy đây là việc nên làm cho cộng đồng, cùng vào cuộc thì mới có hiệu quả. Bởi, có trường hợp người bệnh tử vong, gia đình đưa về trên đường mới biết có thể hiến tạng, nhưng đề nghị bệnh viện tỉnh đó phối hợp lấy tạng thì bị từ chối. Qua trường hợp này cho thấy, nhân viên y tế ở bệnh viện không sâu sát nên không biết bệnh nhân nằm viện đã có thể hiến tạng. 

Đồng quan điểm, TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, sự vào cuộc của ban giám đốc bệnh viện rất quan trọng trong công tác vận động hiến mô tạng. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức của chính nhân viên y tế và người dân, vai trò của bác sĩ hồi sức cũng rất quan trọng vì đây là những người điều trị cho người bệnh hàng ngày, hàng tuần, gần người nhà người bệnh, khi vận động mới có sức thuyết phục, nhận được sự tin tưởng của người bệnh. TS Hùng đề nghị cần có chính sách chi trả phù hợp cho người vận động hiến tạng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản và chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Cuối năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 48 quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết ra đời để hướng dẫn, cụ thể hóa cũng như vận động việc hiến mô, tạng sau khi chết...

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ cho người vận động hiến mô, tạng -0
Một ca ghép tim ở Bệnh viện Việt Đức.

Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy. Hiện nay, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho hoạt động tư vấn hiến tặng mô, tạng từ người chết não, chết tim. Chỉ một số bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng do chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp. Công tác truyền thông dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa hiệu quả, nhiều người dân vẫn e ngại, hiểu biết hạn chế, thậm chí lo ngại về tâm linh, đạo đức.

"Ở nhiều nước phát triển, tư vấn hiến tặng mô, tạng tại bệnh viện là một phần quan trọng trong hệ thống y tế. Đội ngũ tư vấn được đào tạo bài bản, hưởng chế độ đãi ngộ hợp lý, giúp gia đình người bệnh hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của hiến tạng và đưa ra quyết định đúng đắn. Đây là mô hình Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng phù hợp", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, giải pháp cho vấn đề này, bên cạnh truyền thông, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, các tổ chức xã hội, tôn giáo và đặc biệt là bệnh viện – nơi tiếp cận trực tiếp với người bệnh. Những câu chuyện về người hiến tạng và người bệnh được ghép tạng thành công cần được lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phong trào hiến tặng mô, tạng phát triển bền vững.

Để có thể lấp đầy những khoảng trống trên, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trước mắt, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, bệnh viện thành lập đội ngũ tư vấn hiến tặng mô, tạng, đảm bảo có chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp họ yên tâm công tác.

Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống hiến tặng mô, tạng phát triển, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn hiến tạng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền theo hướng đa dạng hóa hình thức, tận dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, các kênh truyền hình, báo chí để lan tỏa thông điệp về hiến tạng, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng một cách bền vững.

Tiếp tục xây dựng mạng lưới kết nối giữa các bệnh viện có thực hiện ghép tạng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời phối hợp với các tổ chức tôn giáo, đoàn thể, nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.

Trần Hằng
.
.
.