Chỉ đứng hoặc ngủ cũng đã khoẻ hơn cho tim so với việc ngồi yên
Được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu vào ngày 10/11/2023, nghiên cứu khoa học xem xét mức độ ảnh hưởng của các loại vận động khác nhau đến sức khỏe tim mạch trong ngày.
Hoạt động nhẹ nhàng như đứng hoặc ngủ cũng tốt hơn việc ngồi yên
Theo nghiên cứu mới được công bố này, thay thế việc ngồi bằng một vài phút tập thể dục vừa phải mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn. Nghiên cứu này cho thấy ngay cả những hoạt động nhẹ nhàng như đứng hoặc ngủ cũng tốt hơn việc ngồi yên.
“Người ta đã biết rộng rãi rằng vận động nhiều hơn sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung một góc nhìn độc đáo bằng cách xem xét toàn bộ 24 giờ trong ngày và cung cấp những hiểu biết mới về hệ thống phân cấp hành vi hàng ngày”, Tiến sĩ Jo Blodgett, tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Viện Thể thao, Thể dục và Sức khỏe của Đại học London (UCL), nói với Euronews Next.
Bà Blodgett nói thêm: “Hoạt động tốt nhất mà bạn có thể làm cho trái tim của mình là hoạt động vừa phải đến mạnh, tiếp theo là ba hoạt động phổ biến hàng ngày: hoạt động nhẹ nhàng, đứng và ngủ, trong đó hành vi ngồi yên là có hại nhất”.
Các nhà nghiên cứu từ UCL và Đại học Sydney đã phân tích dữ liệu từ 6 nghiên cứu với hơn 15.000 người tham gia từ 5 quốc gia. Những người tham gia đeo một thiết bị trên đùi để đo hoạt động trong ngày.
Nghiên cứu cho thấy hoạt động ở mức độ vừa phải đến mạnh mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe tim mạch, chỉ với 5 phút là có tác dụng rõ rệt.Tiếp theo là hoạt động cường độ nhẹ, đứng và ngủ so với ngồi. Tuy nhiên, cường độ hoạt động càng thấp thì càng mất nhiều thời gian để nó bắt đầu có lợi.
Chẳng hạn như thay thế việc ngồi bằng giấc ngủ mang lại những lợi ích rõ ràng đối với chỉ số BMI và chu vi vòng eo nhưng lại có tác dụng không đáng kể đối với cholesterol, triglycerides (một loại chất béo) hoặc lượng đường trong máu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, nhìn chung, việc thay thế 30 phút ngồi, đứng, ngủ hoặc hoạt động nhẹ bằng hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải đến mạnh sẽ làm giảm chỉ số khối cơ thể (BMI). Tỷ lệ thời gian ngồi nhiều hơn có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh một số “can thiệp dựa trên nghề nghiệp” đầy hứa hẹn như sử dụng bàn đứng hoặc hoạt động đi lại như đạp xe đi làm.
Blodgett cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng thay thế việc ngồi yên bằng bất kỳ hành vi nào khác đều có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Hoạt động cường độ cao hơn - như chạy hoặc đạp xe - là tối ưu, nhưng nếu không thể, vẫn có thể đạt được lợi ích khi thay thế hành vi ngồi yên bằng các hoạt động nhẹ nhàng hơn như đi bộ, di chuyển, đứng hoặc thậm chí đi ngủ sớm hơn một chút”.
Hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ
Những người ít hoạt động nhất có được lợi ích lớn nhất từ việc thay đổi hành vi của họ. James Leiper, phó giám đốc y tế tại Quỹ Tim Anh, đơn vị đã tài trợ cho nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã biết rằng tập thể dục có thể mang lại lợi ích thực sự cho sức khỏe tim mạch của bạn và nghiên cứu đáng khích lệ này cho thấy những điều chỉnh nhỏ trong thói quen hàng ngày của bạn có thể làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Ông nói thêm: “Nghiên cứu này cho thấy rằng việc thay thế ngay cả một vài phút ngồi bằng một vài phút hoạt động vừa phải có thể cải thiện chỉ số BMI, cholesterol, kích thước vòng eo của bạn và mang lại nhiều lợi ích thể chất hơn”.
Mặc dù nghiên cứu này không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hoạt động thể chất và sức khỏe tim mạch, nhưng nó bổ sung thêm vào nghiên cứu ngày càng tăng về mối liên hệ giữa hoạt động thể chất với việc cải thiện sức khỏe hệ tuần hoàn.
Một nghiên cứu khác của Đại học Sydney được công bố vào tháng 7 cho thấy chỉ cần 4-5 phút hoạt động thể chất cường độ cao mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang khuyến nghị nên hoạt động với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc hoạt động với cường độ mạnh ít nhất 75 phút mỗi tuần. Các bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ, hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, dẫn đến ước tính khoảng 17,9 triệu ca tử vong mỗi năm.
Theo WHO, các yếu tố rủi ro bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất, sử dụng thuốc lá và sử dụng rượu có hại. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu mới này có thể giúp xem xét các cấp độ hoạt động nhằm cung cấp cho mọi người những đề xuất được cá nhân hóa để họ trở nên năng động hơn.