Chăm sóc trẻ ra sao trước biến chủng Omicron?
Trao đổi với PV, BS Trương Hữu Khanh, (Cố vấn Khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh) cho hay, hiện, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ngày càng gia tăng do trẻ đi học trực tiếp trở lại cùng sự xuất hiện của chủng Omicron.
Tuy nhiên, khi nhiễm COVID-19, triệu chứng lâm sàng ở trẻ em nhìn chung nhẹ hơn người lớn. Các bậc cha mẹ không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng hay hoảng loạn mà mua thuốc điều trị sai cách.
Theo BS Trương Hữu Khanh, thông thường, trẻ chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ mới phải vào viện khám. Trước hết, nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, thuốc ho, dung dịch nhỏ mũi, hay thuốc điều trị bệnh nền... Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số SpO2 giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Trẻ chuyển nặng và nguy kịch chỉ khi có dấu hiệu SpO2 tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, có tổn thương phổi, … thì bắt buộc phải nhập viện.
Tuy nhiên, BS Khanh nhấn mạnh, tất cả đều vẫn phải căn cứ vào triệu chứng lâm sàng mới quyết định trẻ nhập viện hay không. Với những trẻ bị bệnh nền như: Gan, thận, bệnh về não, trẻ có tiền sử đẻ non, đái tháo đường, tim bẩm sinh,… nếu bệnh không ổn định phải cho vào viện vì lúc này quan trọng là ngoài điều trị COVID-19, còn phải điều trị bệnh nền để bệnh không làm bệnh nhi nặng hơn khi mắc COVID-19. Nhưng, nếu trẻ có bệnh nền mắc COVID-19 nhưng trong tình trạng tạm ổn, vẫn có thể để điều trị tại nhà.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị trẻ tại nhà, các bậc cha mẹ cũng không nên quá căng thẳng. Theo BS Khanh, có nhiều phụ huynh cho biết, họ bắt trẻ đeo khẩu trang suốt ngày đêm là không đúng. Người đeo khẩu trang lúc chăm trẻ mắc COVID-19 chính là các bậc cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc, chứ không phải là đứa trẻ. Vì nếu trẻ đeo khẩu trang cả ngày lẫn đêm sẽ khiến trẻ bị thiếu oxy, ảnh hưởng việc trao đổi hô hấp.
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, cần hết sức lưu ý khi chọn thiết bị đo chỉ số SpO2. Hiện đa phần các gia đình đang sử dụng là mua 1 loại bán trên thị trường và dùng chung cho cả nhà. Như vậy với trẻ nhỏ sẽ không chính xác. Thực tế cũng cho thấy, có nhiều tin báo từ phụ huynh cho BS là SpO2 ở trẻ đạt có 78% hay 80% nhưng thực tế là đo sai. Việc đo SpO2 phải được đo chuẩn xác. Ở trẻ 5 tuổi trở xuống, do ngón tay quá nhỏ nên rất khó đo, việc xác định nồng độ SpO2 phải căn cứ trên dấu hiệu lâm sàng (cụ thể là trẻ có dấu hiệu bị mệt, khó thở) thì mới tính tới tình huống nghi ngờ bị tụt Sp02. Còn chỉ căn cứ vào nồng độ đo được là nhiều khi không chuẩn xác.
Ngoài ra, việc đo SpO2 ở trẻ lớn cũng phải đo nhiều lần, kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng và đo SpO2 để đánh giá tình trạng của trẻ. Nếu trẻ bình thường nhưng đo SpO2 chỉ dưới 90% thì đừng vội lo lắng, hãy bình tĩnh đo lại. Riêng với trẻ sơ sinh thì chỉ có trong bệnh viện mới có loại chuyên dụng, cho kết quả chính xác.
Khi trẻ được xác định mắc COVID-19, nhất là để hạ sốt, cha mẹ cho trẻ uống thuốc theo ''tư vấn'' của y bác sĩ chuyên khoa. Không nên nghe thông tin trên mạng, tìm cách mua thuốc hạ sốt cho trẻ không đúng cách.
Về thuốc hạ sốt cho trẻ bị mắc COVID-19, phụ huynh chỉ cho con uống khi sốt 38,5 độ trở lên, liều lượng phải theo cân nặng. Không được dùng thuốc người lớn pha cho trẻ uống.
Trong đó, thuốc hạ sốt thì có paracetamol hay ibuprofen. Có trẻ hợp paracetamol, nhưng cũng có trẻ hợp ibuprofen, những trẻ gặp các con siêu vi nặng như sốt xuất huyết phải xen kẽ 2 loại mới chịu hạ sốt. Phụ huynh không nên hoảng loạn đi tìm thuốc hạ sốt lung tung. Chỉ dùng các loại thông thường trên, có bán tại các nhà thuốc. Kết hợp với lau mát, uống nhiều nước, từ từ trẻ sẽ hạ sốt. Nếu trẻ từng có tiền sử sốt cao co giật, nếu trẻ dưới 7 tuổi, phụ huynh nên chuẩn bị đủ thuốc uống, thuốc nhét hậu môn, cặp nhiệt độ...
Trẻ bình thường, 38,5 độ cho uống thuốc hạ sốt, trẻ từng sốt cao co giật chỉ cần 38 độ nên cho uống sớm sẽ không co giật.
Lưu ý, khi trẻ có các dấu hiệu thở nhanh, khó thở dữ dội, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, … thì phụ huynh phải đưa trẻ vào bệnh viện gần nhà nhất, có khả năng điều trị COVID-19. Vì có nhiều trường hợp trẻ chỉ đến viện chậm chút thôi đã bị suy hô hấp nặng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng hết sức tránh việc nghe chỉ dẫn trên mạng, nhất là những lời khuyên về việc cho trẻ uống thuốc chống đông, chống viêm. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, khi chăm sóc, cha mẹ cần tạo không gian cách ly riêng cho trẻ. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm, luôn mở cửa sổ. Thời gian cách ly, điều trị với trẻ nhỏ là đủ 7 ngày.