Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết: Cẩn trọng kẻo nguy hiểm tính mạng

Thứ Sáu, 04/08/2023, 17:18

Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận 120 bệnh nhi sốt xuất huyết đến khám và điều trị, trong đó hơn 50 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng và rất nặng.

Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo ở trẻ khi có các triệu chứng như: sốt cao, hạ thân nhiệt, li bì, đau bụng, nôn liên tục, ban xuất huyết, xuất huyết mũi, miệng, tiểu máu, phân máu… Việc phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng và nhập viện kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng xuống dưới 1%.

Điển hình là trường hợp bé trai T.V.H (8 tuổi, ở Hà Nội) bị sốt xuất huyết lần thứ 2 trong tình trạng rất nặng. Thời điểm trẻ vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sốt cao liên tục, có chấm sốt xuất huyết vùng mặt, nhưng sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng…Các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế về sốt xuất huyết Dengue nặng. Hiện tại sau 10 ngày điều trị, trẻ đã ổn định, tỉnh táo và ra viện. 

Hơn 40% trẻ mắc sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi Trung ương có dấu hiệu cảnh báo -0
Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Thuý Hậu, Trung tâm Bệnh nhiệt đới chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết.

Bệnh nhi T.T.P (11 tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, trước đó trẻ cũng đã từng bị sốt xuất huyết. Bệnh nhi nhập viện ngày thứ 5 của bệnh với các dấu hiệu chuyển nặng, bệnh nhi được điều trị tích cực nhiều ngày,  sức khoẻ cháu bé mới cải thiện, hết sốt, tỉnh táo.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. 

"Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh", BS Lâm cho biết.

BS cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh. Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

"Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật", BS Lâm khuyến cáo.

Tr.Hằng
.
.
.