Cảnh báo việc tự dùng thuốc điều trị COVID-19

Thứ Hai, 10/01/2022, 08:59

Hà Nội đang có hơn 31.000 F0 điều trị tại nhà, nhiều F0 khi phát hiện dương tính không liên hệ được với y tế cơ sở đã tự mua thuốc về uống, trong đó có các loại thuốc kháng virus của Nga, thậm chí săn lùng thuốc Molnupiravir với cái giá “cắt cổ”.

Có nhiều loại thuốc phòng và điều trị COVID-19 rao bán trên thị trường, trên mạng xã hội, đặc biệt tại nhóm chợ thuốc Hapulico, nhiều loại thuốc như Molnupiravir, Favipiravir hay Areplivir, Arbidol được rao bán công khai, mỗi nơi một giá.

Tràn lan thuốc điều trị COVID-19

Chị N.T.C, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, cả nhà chị có 4 người đều là F0, chồng chị phát hiện dương tính đầu tiên, do có bệnh nền nên chị khá lo lắng đã nhờ người mua thuốc kháng virus của Nga về uống với giá  2,7 triệu đồng/hộp. Cách đây vài tháng, khi số F0 tại Hà Nội chỉ vài chục ca/ngày, giá thuốc này chỉ 2,1 triệu đồng/hộp, nhưng nay do F0 tăng cao, nhu cầu sử dụng cao nên giá tăng thêm 600.000đ/hộp. “Theo người bán giới thiệu thì ngày đầu uống 2 lần 16 viên (8 viên/lần), những ngày sau uống 2 lần 6 viên (mỗi ngày 3 viên), sau 3 ngày là âm tính”, chị C cho biết. 

Liên lạc với người bán chuyên nhập hàng của Nga tên N.D.T và được người này cho biết, hiện đang cung cấp thuốc phòng và điều trị COVID-19 với giá “mềm” nhất thị trường. Cụ thể, giá thuốc điều trị Areplivir nếu mua sỉ 2 triệu đồng/hộp và mua lẻ là 2,1 triệu đồng/hộp.

Đối với thuốc Arbidol được cho là uống phòng, chống khi tiếp xúc với F0, hoặc có thể uống kết hợp điều trị thì có giá từ 250.000 – 350.000 đồng/hộp tùy loại dành cho người lớn hoặc trẻ em. Theo hướng dẫn của người bán, loại này có liều lượng sử dụng trong trường hợp đã tiếp xúc gần với F0 thì dùng mỗi ngày 1 viên, trong 10-14 ngày, còn dự phòng xa hơn thì dùng 2 viên/tuần, dùng trong 3 tuần; nếu kết hợp điều trị thì dùng 1 viên/4 lần/ngày, trong thời gian 10 ngày.

an giang.jpg -0
Các loại thuốc kháng virus điều trị F0 rao bán trên mạng và người dân mua về tích trữ, sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa

Theo một bệnh nhân COVID-19, khi chị liên hệ với nhà thuốc B.L tại quận 3, TP Hồ Chí Minh nhận được báo giá các loại thuốc điều trị COVID-19 như sau: Molnupiravir 200mg (Ấn Độ) 6,8 triệu/hộp/40 viên;  Favipiravir 400mg (Ấn Độ) 7 triệu đồng/hộp/100 viên/5 người; Favipiravir 400mg (Ấn Độ) 3,3 triệu đồng/hộp/17 viên; Favipiravir (Nga) giá 3,8 triệu đồng/hộp/40 viên; Arbidol xanh nhạt 500.000 đồng/20 viên; Arbidol xanh đậm 500.000 đồng/40 viên; Arbidol đỏ giá 650.000 đồng/hộp/10 viên; Arbidol Siro (dành cho trẻ em) 850.000 đồng/hộp; miếng dán Nano CV19 (được quảng cáo với tác dụng phòng, chống nhiễm COVID-19) có giá 600k/hộp/2 miếng…

Vì sao người dân lùng mua thuốc kháng virus về tích trữ và điều trị dẫn đến thị trường chợ đen có giá “trên trời”? Chị N.T.C ở quận Hà Đông cho biết: “Để được phát gói thuốc B, C thì người bệnh phải có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Như nhà tôi test nhanh dương tính, báo y tế phường lấy mẫu xét nghiệm, 3 ngày sau mới có kết quả, mà thuốc này hiệu quả cao nhất là uống vào “thời gian vàng”, nghĩa là sau khi dương tính phải uống ngay. Chính vì vậy chúng tôi phải mua thuốc ở chợ đen về uống. Mới đây tôi được biết thuốc mà mình uống bên Ấn Độ đã ngừng sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ”.

Điều đáng nói, tất cả các loại thuốc được quảng cáo là điều trị COVID-19 này đều chưa được Bộ Y tế cấp phép. Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Nguy hiểm khi tự làm “bác sĩ”

Trong những ngày qua, số F0 của Hà Nội tăng rất cao, hơn 2.700 ca/ngày, trong đó có nhiều trẻ em mắc COVID-19. Khi không liên lạc được với y tế phường, nhiều gia đình đã rất sốt ruột và tự cho con dùng một số loại thuốc kháng viêm như methylprednisolone và corticoid khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Theo các bác sĩ, có phụ huynh còn sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi, điều này rất nguy hiểm, có thể xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc người dân tùy tiện sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc điều trị COVID-19 sẽ gây ra tác hại như thế nào? Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Những trường hợp mắc COVID-19 cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.

BS Cấp cho biết, với những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Đặc biệt với thuốc kháng virus Molnupiravir, chưa được Bộ Y tế cấp phép, hiện đang sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát, do đó, các F0 chỉ được sử dụng khi đã khám sàng lọc, đánh giá và cam kết tham gia với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Thuốc này chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận…

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), nếu trẻ em bị nhiễm COVID-19, khi chưa có biểu hiện gì chỉ cần theo dõi sức khỏe, ăn uống bổ sung và súc miệng bằng nước súc họng. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sốt, hoặc khi có biểu hiện gì thì chỉ cần điều trị biểu hiện đó, như: Ho thì cho dùng thuốc điều trị ho; sốt cao trên 38,5% độ uống thuốc hạ sốt; trẻ béo phì có nguy cơ chuyển nặng cao hơn thì gia đình cần theo dõi và chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bởi nếu sử dụng không đúng liều lượng có thể khiến bệnh không giảm mà còn nặng hơn.

Vậy, người bệnh làm thế nào khi có dấu hiệu chuyển nặng? Theo BS Nguyễn Trung Cấp, các F0 điều trị tại nhà cần nhanh chóng kết nối với các bác sĩ mạng lưới thầy thuốc đồng hành, y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn cần phải điều trị thế nào cho thích hợp.

Theo khuyến cáo của BS, người dân cần chuẩn bị sẵn những thuốc này trong nhà để dự phòng chẳng may mình là F0 phải cách ly: Kháng sinh; chống viêm; chống đông máu; giảm đau hạ sốt; chống dị ứng, dự phòng và điều trị loét dạ dày, thực quản; giảm ho; tăng cường miễn dịch (với người suy giảm miễn dịch tiến triển), điều trị bệnh nền (người có bệnh nền). Lưu ý là khi sử dụng những thuốc này đều phải hỏi ý kiến của bác sĩ.

Trước phản ánh của báo chí về việc mua bán thuốc kháng virus đang sử dụng trong Chương trình điều trị có kiểm soát (Molnupiravir) có giá trên trời và công văn của Cục Quản lý Dược về tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện yêu cầu tập trung kiểm tra việc bán thuốc Molnupiravir, Favipiravir tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu có dấu hiệu hình sự chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Trần Hằng
.
.
.