Cảnh báo thuốc kháng virus, thiết bị y tế giả, không rõ nguồn gốc
Theo Bộ Y tế, lợi dụng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nước ta, một số đối tượng đã cố tình đưa thuốc kháng virus điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm,… không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, an toàn vào thị trường.
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc điều trị COVID-19, khẩu trang và thiết bị y tế giả, không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng phát hiện. Theo Bộ Y tế, lợi dụng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nước ta, một số đối tượng đã cố tình đưa thuốc kháng virus điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm,… không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, an toàn vào thị trường. Thậm chí, còn có hiện tượng đưa găng tay y tế đã qua sử dụng vào thị trường.
Mỗi ngày nước ta ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm COVID-19 mới, số lượng F0 điều trị tại nhà đang rất lớn, nhu cầu mua thuốc điều trị cũng tăng cao, đây là cơ hội cho thuốc, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ rao bán và tiêu thụ mạnh.
Với số F0 tăng rất cao hàng ngày như hiện nay, trong số đó khoảng 90% điều trị tại nhà, nhu cầu mua, dự trữ thuốc tăng rất cao. Theo khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, rất nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn “tủ thuốc tại gia” gồm các thuốc thông thường như: giảm sốt, ho, vitamin, xuyên tâm liên, xịt mũi, họng, kit test nhanh… Đặc biệt, nhiều gia đình đã dự trữ thuốc kháng đông, kháng viêm, nhất là kháng virus của Nga, hoặc kháng virus nhãn nước ngoài mua trôi nổi trên mạng trong khi thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép. Trên thực tế, nhiều thuốc kháng virus được rao bán với giá rất đắt, như thuốc của Nga 2,7 triệu đồng/hộp, thậm chí có thuốc lên tới 7 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng viên.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều F0 điều trị tại nhà hiện còn lúng túng, khi xét nghiệm dương tính là uống ngay thuốc kháng virus dự trữ sẵn, trong khi triệu chứng nhẹ, không có bệnh nền, khó có nguy cơ chuyển biến nặng. Nhiều F0 suy thận, viêm gan do không tìm hiểu mà đã uống thuốc kháng virus, gây hệ lụy cho sức khỏe. Thậm chí, nhiều phụ huynh khi con mắc COVID-19 chưa kịp tìm hiểu đã lên mạng mua thuốc kháng virus nhập lậu về cho con uống do nghe theo thông tin truyền miệng uống vào sẽ nhanh âm tính, mà không biết thuốc này chống chỉ định đối với người dưới 18 tuổi. Chính vì điều này càng khiến thị trường thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc được tiêu thụ nhiều và tha hồ tăng giá.
Theo nhận định của chuyên gia, trước tình hình số ca mắc COVID-19 cộng đồng cao như hiện nay thì nhu cầu mua thuốc càng tăng cao, và các đối tượng không ngừng đưa thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ. Điển hình ngày 17/2, tại khu vực Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai), tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai) trong quá trình tuần tra kiểm soát, phát hiện 1 xe ôtô có biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ của các đối tượng 2 thùng hàng bên trong có chứa lượng lớn hộp thuốc dạng viên bên ngoài vỏ hộp in chữ nước ngoài. Hai đối tượng đi trên xe khai nhận 2 thùng thuốc trên là thuốc điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ nhập lậu, nhiều đối tượng còn sản xuất thuốc COVID-19 giả. Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán tân dược không rõ nguồn gốc, tân dược giả, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19. Qua kiểm tra, Công an phát hiện 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu Terpincodein. Thuận khai nhận đây là tân dược giả do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Theo Bộ Y tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, ngày 19/2, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ Y tế đề nghị, các địa phương và các đơn vị tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chồng chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.
Đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng: Thuốc phòng, bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế,... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa ngành Y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các loại thuốc kháng virus cũng như nhiều mặt hàng liên quan đến chống dịch đang rao bán tràn lan trên mạng, cần tăng cường kiểm tra để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ để bảo vệ người tiêu dùng.