Cảnh báo nhiều tai nạn sinh hoạt nguy hiểm đến tính mạng trẻ em

Chủ Nhật, 02/04/2023, 09:57

Ngoài đuối nước thì tai nạn trong sinh hoạt là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng cho trẻ em. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trẻ có thể gặp các tai nạn này ở trường học, các khu vui chơi, thậm chí ngay ở nhà.

Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm, thậm chí có trẻ khi tới viện đã tử vong do bị sặc sữa. Trong số các ca tai nạn này, có nhiều ca do người lớn không biết cách sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách đã khiến trẻ suýt thiệt mạng.

Sai lầm khi sơ cứu khiến con suýt mất mạng

Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), bệnh viện vừa tiếp nhận bé trai 10 tuổi (trú tại thị trấn Liên Quan) vào nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, có vết thương tại lưng, dấu hiệu sống mờ nhạt. Gia đình cháu bé kể lại, khi đang trèo lên ghế, cháu vô tình ngã vào 1 chiếc que nhọn - que têm trầu để ở bình vôi và bị đâm vào ngực. Thấy con khóc thét, gia đình rất hốt hoảng và đã rút que têm trầu ra khỏi vết thương. Ngay lập tức, vết thương cháy máu ồ ạt, cháu bé tím tái và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

thạch thất.jpeg -0
Các bác sĩ cấp cứu trẻ bị tai nạn do que nhọn đâm vào ngực.

Các bác sĩ xác định vết thương của cháu rất sâu, gần tim, đến động mạch chủ, mất rất nhiều máu và bệnh nhân dần mất ý thức. Cháu bé được đưa ngay lên phòng mổ, gây mê đặt ống nội khí quản, dẫn lưu màng phổi để hồi sức duy trì các dấu hiệu sống, sau đó chuyển cháu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thực hiện phẫu thuật lồng ngực.

Do vết thương quá nặng, cháu bé suy hô hấp, máu tràn vào màng phổi có thể tử vong bất cứ lúc nào, vì vậy trên đường di chuyển, bác sĩ vừa hồi sức vừa phải truyền máu. Rất may mắn, cháu bé đã vượt qua cơn nguy kịch, kịp thời đến Bệnh viện Xanh Pôn và được các bác sĩ Khoa Tim mạch, lồng ngực phẫu thuật thành công. Sau mổ ổn định, cháu được xuất viện vào ngày 31/3.

Theo BS Nguyễn Đức Thảo, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, với những tai nạn thương tích đối với trẻ nhỏ, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Khi rút vật nhọn ra khỏi vết thương của người gặp nạn có thể gây chảy máu ồ ạt, dẫn đến tình trạng người bệnh có thể nặng nề hơn. Đây là một trong những sai lầm của người dân khi cấp cứu người gặp tai nạn. Vì vậy, khi có vật nhọn đâm vào tốt nhất không nên rút ra khỏi cơ thể người bệnh, chỉ nên cố định hoặc làm ngắn vật gây thương tích để dễ dàng vận chuyển tới bệnh viện.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường tiếp nhận những ca tai nạn lao động và tai nạn sinh hoạt, có người còn ngã từ trên giàn giáo xuống, bị thanh sắt đâm xuyên ngực, nhưng do được sơ cứu đúng cách, đưa cả người bị nạn và thanh sắt còn nguyên vào viện, các bác sĩ đã rút thanh sắt, phẫu thuật và cứu sống được bệnh nhân.

Phụ huynh cần nắm được kỹ năng sơ cứu

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trẻ có thể gặp các tai nạn này ở trường học, các khu vui chơi, thậm chí ngay ở nhà. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Mặc dù có nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình trạng trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm.

Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ em bị tai nạn do bất cẩn trong sinh hoạt, học tập, vui chơi vào cấp cứu. Có tháng, Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp của bệnh viện tiếp nhận một chuỗi 5 ca bệnh các bé trong độ tuổi từ 1-3 hóc dị vật. Điển hình là cháu bé 14 tháng tuổi ở Quảng Ninh hóc xương lợn vào phế quản gốc phải do trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy; cháu bé 17 tháng tuổi bị dị vật mảnh nhựa của đồ chơi trong đường thở. Gần đây nhất là trường hợp cháu bé 9 tuổi ở Hà Nam nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng nề. Do cháu nuốt phải đầu bút bi có kích thước lớn, phế quản của trẻ lại nhỏ, các bác sĩ phải nội soi 2 lần mới lấy được, giúp cháu bé vượt qua được nguy kịch. Tuy nhiên, không phải trẻ nhỏ nào hóc dị vật cũng may mắn được cứu sống. Có trẻ hóc thạch nhưng gia đình phát hiện muộn, khi đưa tới viện thì đã tử vong. Hoặc như trẻ bị sặc sữa, mặc dù đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng cũng không cứu được.

ThS.BS Phùng Đăng Việt, Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tuỳ thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn. Trên thực tế, nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan, chỉ nghĩ trẻ nuốt phải vật lạ, nhưng không lường được nguy hiểm khi dị vật bịt kín đường thở nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu oxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng. “Khi nghi ngờ con hóc sặc dị vật thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất, tránh những thao tác sơ cứu không đúng, có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của con trở nên nguy hiểm”, BS Việt khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.