Cảnh báo ngộ độc khí CO trong hộ gia đình

Thứ Hai, 19/08/2024, 07:57

Mất điện, bố và 2 con ở Hải Phòng nổ máy ôtô trong garage nằm ngủ, khiến con gái lớn tử vong, 2 người còn lại hôn mê được đưa đi cấp cứu; hay một gia đình 3 người ở Nghệ An dùng máy phát điện để bật điều hoà trong phòng ngủ đóng kín khiến cả nhà bị hôn mê… đều do ngộ độc khí CO, là những câu chuyện vẫn thường xảy ra. Mới đây nhất, 3 nhân viên của một nhà hàng ở Hà Nội bỗng dưng ngất xỉu trong phòng bếp được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân được các bác sĩ kết luận cũng là ngộ độc khí CO do chính từ đồ dùng trong bếp.

Nguy cơ mới gây ngộ độc khí CO

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 3 nhân viên làm việc tại một nhà hàng ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp. Nhà hàng có căn bếp diện tích khoảng 25 -30m2, vào sáng xảy ra vụ việc căn bếp không có mùi gì bất thường. Đến 9h, một nữ nhân viên bị ngất, tiếp theo 1 người nữa cũng ngất xỉu, còn 1 người khác có biểu hiện khó chịu. Sau khi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, các bác sĩ kết luận, cả 3 nhân viên đều bị ngộ độc khí CO (carbon monoxide) với nồng độ HbCO trong máu rất cao.

Cảnh báo ngộ độc khí CO trong hộ gia đình -0
Bác sĩ thăm khám cho nữ nhân viên nhà hàng bị ngất xỉu do ngộ độc khí CO.

Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, vụ ngộ độc khí CO tại căn bếp nhà hàng chắc chắn do các thiết bị đun nấu đốt khí gas nhưng cháy không hoàn toàn nên tạo ra khí CO. Căn bếp mới lắp đặt, các thiết bị đều hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn ngày đầu chạy thử. Loại bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện có nguy cơ cao hơn.

"Chất lượng sản phẩm với thiết bị sử dụng khí gas để đảm bảo an toàn cho người sử dụng rất cần được đánh giá, xem xét và xử lý, làm sao để các thiết bị phải đốt cháy khí gas hoàn toàn, tránh sinh ra lượng khí CO tới mức gây ngộ độc. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để kiểm tra, kiểm định lại các sản phẩm này, đảm bảo an toàn cho người dân khi mua về dùng, tránh trường hợp hàng loạt sản phẩm không an toàn bán ra thị trường, nguy cơ gây ngộ độc khắp nơi cho nhiều người", BS Nguyên đề xuất.

Chuyên gia chống độc cảnh báo với các nhà hàng, yếu tố lưu thông không khí trong căn bếp chứa thiết bị sử dụng khí gas cần phải trang bị đầy đủ để tránh sinh ra thêm khí CO. Căn bếp cần phải lắp đặt thiết bị liên tục đo, theo dõi nồng độ khí CO, khí gas và cảnh báo ngay cho con người ngay khi nồng độ các khí đó tăng đến mức gây ngộ độc hoặc gây cháy nổ.

Theo BS Nguyên, trong cuộc sống có các nguy cơ mới gây ngộ độc khí CO do hoàn cảnh hiện đại mang lại như thiết bị không cần cháy nổ cũng phát sinh khí CO, hoặc thiết bị thế hệ mới có thể sử dụng khí gas (không sử dụng nhiên liệu xăng dầu) mà con người còn chưa quen như: Xe nâng hàng, máy làm lại bề mặt sân trượt băng, bộ phận hấp phụ khí gây mê, rang hạt cà phê. Thậm chí, có hoá chất dung môi tẩy sơn chứa methylene chloride, methylene bromide có thể ngấm qua da vào trong cơ thể rồi được chuyển hoá thành khí CO trong cơ thể và gây ngộ độc từ từ…

50% người ngộ độc CO nhẹ có thể để lại di chứng thần kinh

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO mà không phải nguyên nhân do cháy nổ gây ra, các vụ ngộ độc này xảy ra ngay trong chính gia đình như: Chạy xe máy "rốt đa" trong phòng kín; chạy máy phát điện để ở trong phòng thông với phòng có người sinh hoạt; ngồi trong xe ôtô và bị ngộ độc do hít phải khí CO từ khói của xe; sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas…

Vào tối 8/8 vừa qua, do bị mất điện, một gia đình 3 người ở Nghệ An đã sử dụng máy phát điện để chạy điều hoà trong phòng ngủ kín khoảng 20m2. Máy phát điện này gia đình vẫn sử dụng, nhưng lần này được để ở phòng thông với phòng ngủ. 9h sáng 9/8, người nhà phát hiện cả 3 người đều hôn mê, bên cạnh có chất nôn. Người bố bị ngộ độc nhẹ, điều trị ở bệnh viện địa phương, hai mẹ con được đặt nội khí quản, thở máy, đưa ra Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Hơn 1 tuần điều trị, người mẹ đã tỉnh, được rút ống thở, nhưng con trai (15 tuổi) vẫn còn hôn mê và nguy kịch.

Theo TS.BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, các trường hợp ngộ độc CO lần này có lượng BhCO trong máu cao hơn cả các nạn nhân ở vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái. Hai mẹ con nói trên có tổn thương rõ trên não nên nguy cơ sau này sẽ gặp các di chứng muộn và cần theo dõi, điều trị cẩn thận. Riêng người bố, lúc đầu có bất tỉnh nên sau này cũng sẽ có nguy cơ cao gặp di chứng với não, vì vậy bác sĩ khuyên cáo anh này cần nhanh chóng đi kiểm tra để bác sĩ có đơn thuốc, có thể phải điều trị oxy cao áp phòng tránh di chứng muộn.

Cũng vào tháng 6/2023, do mất điện, 3 bố con ở Hải Phòng nổ máy ôtô trong garage để ngủ, đến sáng người nhà phát hiện con gái lớn tử vong vì ngạt khí, con gái út và bố hôn mê, suy hô hấp, trụy mạch. Rất may mắn, sau thời gian điều trị hồi sức, hai bố con đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Theo các bác sĩ, bật điều hoà xe ôtô để ngủ khi đóng kín cửa xe sẽ làm sản sinh một lượng lớn khí CO và CO2 ra môi trường xung quanh.

Khí này tiếp tục được điều hoà hút vào trong khiến những người ngủ bên trong xe bị ngạt khí. Nạn nhân sẽ mất ý thức, hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp, nên rất khó nhận biết sự có mặt của chúng trong không khí. Tuy được cảnh báo, song những tai nạt ngạt khí CO vẫn xảy ra trong sinh hoạt.

BS Nguyên cảnh báo, khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ thì gây buồn nôn, đau đầu, dễ nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn; nặng có thể khiến bất tỉnh và tử vong. 50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau này. 1/3 người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau này do biến chứng loạn nhịp tim. Người sau 35 tuổi bị ngộ độc CO thường nguy cơ bị di chứng nhiều hơn.

Để không còn ngộ độc khí CO từ các thiết bị thế hệ mới, BS Nguyên khuyến cáo các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm định để các thiết bị máy móc và hoá chất đảm bảo chất lượng và an toàn khi ra thị trường. Bên cạnh đó, các thiết bị máy móc và hoá chất này cần phải luôn kèm theo các cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc để người tiêu dùng sử dụng biết và phòng tránh.  

Trần Hằng
.
.
.