Can thiệp bào thai để có một thế hệ trẻ khỏe mạnh
Từ năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp bào thai - đưa dụng cụ vào buồng ối để chữa bệnh cho thai nhi, giúp hàng trăm em bé chào đời khoẻ mạnh. Năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ thực hiện các kỹ thuật can thiệp bào thai mới để điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi.
Nếu như trước đây, thai nhi trong bụng mẹ được phát hiện dị tật hoặc cạn ối, không một bác sĩ nào dám "đụng" vào buồng tử cung để can thiệp khiến thai có thể chết lưu, sảy, hoặc sinh ra những đứa con không lành lặn. Từ năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp bào thai - đưa dụng cụ vào buồng ối để chữa bệnh cho thai nhi, giúp hàng trăm em bé chào đời khoẻ mạnh. Năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ thực hiện các kỹ thuật can thiệp bào thai mới để điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi.
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng hiếm muộn
Chia sẻ tại hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ X với chủ đề "Cập nhật và ứng dụng 2022" vào sáng 2/12, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, kết quả triển khai kỹ thuật can thiệp trong buồng ối để "sửa chữa" thai nhi bị bệnh trong 3 năm qua đã mang đến hạnh phúc cho biết bao cặp vợ chồng tưởng chừng đã mất con, hoặc sinh con ra bị dị tật nay được chữa lành lặn.
Lấy nhau 8 năm chưa có con, vợ chồng chị N.T.H (Yên Bái) chạy chữa khắp nơi. Anh chị đã 3 lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung, 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều thất bại. Cách đây 3 năm, chị H may mắn có thai, song chưa kịp vui mừng thì đến tuần 21, chị H bị cạn ối, nguy cơ thai chết lưu rất lớn. Vợ chồng anh chị đưa nhau xuống Hà Nội, thăm khám tại một bệnh viện lớn, bác sĩ trả về vì tuổi thai quá nhỏ.
Tuyệt vọng, họ chỉ biết ôm nhau khóc. Tình cờ lên mạng biết đến phương pháp truyền ối vào buồng tử cung ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vợ chồng chị H. tức tốc bắt xe đến khám. TS.BS Nguyễn Thị Sim, phụ trách đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã truyền ối vào buồng tử cung cho sản phụ H và cứu được thai nhi. Khi thai được 35 tuần, chị H chuyển dạ, hạ sinh bé gái nặng 2,2kg khoẻ mạnh. "Đến nay cháu bé đã 22 tháng, đã được bố mẹ đưa tới thăm các bác sĩ tại Trung tâm can thiệp bào thai", GS Ánh nói.
Hạnh phúc hơn nữa phải kể tới vợ chồng chị Nguyễn Thị H (Nghệ An) cũng hiếm muộn nhiều năm. Khi chị H mang song thai được 23 tuần, đi khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, chị được chẩn đoán có 2 bánh rau, 1 buồng ối, mắc hội chứng truyền máu độ 3, nguy hiểm đến tính mạng thai nhi. Bệnh viện đã tư vấn cho vợ chồng chị phương pháp duy nhất để có thể cứu sống thai nhi là can thiệp bào thai. Dù thai sắp lưu, song hai vợ chồng vẫn mang niềm hy vọng đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tìm sự sống cho hai bé. TS.BS Nguyễn Thị Sim cùng ê kíp đã khám, hội chẩn, thực hiện phẫu thuật nội soi vào bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai cho chị H. Ca phẫu thuật thành công và giữ được cả 2 thai. Ngày 27/10 vừa qua, chị H đã sinh 2 em bé hoàn toàn khoẻ mạnh với cân nặng lần lượt là 2,3kg và 2,7kg.
Trước năm 2018, tại Việt Nam không có cơ sở nào có thể xử lý được hội chứng truyền máu song thai. Vì thế tới 90% là một hoặc cả hai thai bị tử vong, di chứng để lại nhiều và ảnh hưởng đến sau này vì em bé bị tổn thương não. Hiện nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi vào buồng ối, chữa bệnh trong bào thai nhằm lập lại cân bằng dinh dưỡng giữa hai em bé, để hai thai có thể phát triển tiếp. "Không phải thai phụ nào cũng biết đến chúng tôi nên nhiều trường hợp mất con, hoặc có những trường hợp đến muộn chỉ cứu được một trong hai thai", BS Sim nuối tiếc cho biết.
Góp phần nâng cao chất lượng giống nòi
GS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 1,6 triệu trẻ sơ sinh ra đời, trong đó tỷ lệ trẻ bất thường chiếm khoảng 2%, cứ 100 trẻ sẽ có 2 trẻ có vấn đề về sức khoẻ hoặc tật nguyền ở mức độ hoà nhập cuộc sống kém, hoặc không thể hoà nhập được, thậm chí tử vong. Nếu không có sự can thiệp của sản khoa thì số trẻ sinh ra bị tật nguyền sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc cứu sống được 2% trẻ rất có giá trị để nâng cao chất lượng giống nòi Việt Nam.
Từ ca can thiệp bào thai đầu tiên vào năm 2019, đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện hơn 260 ca, tỷ lệ thành công rất cao. Nếu như trước đây, thai nhi mắc các hội chứng như: Truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng trong tử cung, song thai không tim, ứ nước bể thận, tràn dịch màng phổi, cạn ối, đa ối, thiếu máu bào thai…, đều dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật vĩnh viễn hoặc chết lưu, các bác sĩ đều bất lực thì nay bác sĩ đã có thể can thiệp vào buồng ối để điều trị được những căn bệnh này.
Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ mạnh dạn triển khai các kỹ thuật mới sửa chữa các tổn thương của bào thai như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi… Trong tương lai là kỷ nguyên ứng dụng liệu pháp tế bào gốc và gene để điều trị một số bệnh cho thai nhi. Hiện bệnh viện đã gửi 3 bác sĩ đi đào tạo tại Pháp và sẽ về Việt Nam trong tháng 12 này. Bệnh viện cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật mới ngay tại Trung tâm Can thiệp bào thai, tăng cơ hội chữa bệnh cho thai nhi trong năm 2023.
GS Ánh cũng cho biết thêm, ngoài Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện nay cả nước có thêm 3 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật can thiệp bào thai là Từ Dũ, Vinmec, Tâm Anh. Những lĩnh vực sâu như can thiệp bào thai đầu tư rất tốn kém. Với 1,6 triệu trẻ em ra đời một năm là vấn đề lớn của ngành sản khoa. Vì vậy, các tỉnh, TP phải đầu tư và cử bác sĩ đi học tập, nếu không có công tác chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh tốt thì nhiều trẻ ra đời là gánh nặng cho gia đình và xã hội. "Chúng ta cần phải đầu tư cho lĩnh vực mũi nhọn mới có cơ hội phát triển ngành y tế vì nếu ai cũng thích làm cái dễ, làm cái người bệnh chi trả nhiều sẽ bỏ sót những ca bệnh khó như bệnh lý của bào thai", GS Ánh nói.
Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối trong chỉ đạo tuyến lĩnh vực sản khoa, phụ trách toàn bộ tuyến sản của thành phố Hà Nội, 5 tỉnh phía Bắc và nhiều đơn vị khác trong cả nước đều gửi mẫu đến xin hội chẩn, hỗ trợ. GS Ánh hy vọng, năm 2023 sẽ thành lập được Hội Y học bào thai Việt Nam, để chẩn đoán sớm dị tật thai nhi, sàng lọc bất thường di truyền trước sinh, phát triển các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh an toàn.