Cần sự chung tay để hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe cho người di cư

Thứ Hai, 13/12/2021, 20:29

  Việt Nam có hàng triệu người di cư ra nước ngoài và di cư nội địa từ nông thôn ra thành phố mỗi năm. Đặc điểm chung của người di cư hiện nay là không được đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Thách thức chính của người lao động di cư trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chính là thiếu kiến thức về quyền lợi của bảo hiểm y tế (BHYT).

*Người di cư chịu nhiều rủi ro

Theo Tổng điều tra dân số mới nhất, Việt Nam có 96 triệu người, trong đó có 6,4 triệu người di cư nội địa trong 5 năm (từ 2015-2019) và hàng triệu người di cư ra nước ngoài theo con đường xuất khẩu lao động, du học, định cư, lấy chồng nước ngoài…Di cư ở Việt Nam rất đa dạng, có quy mô lớn và xu hướng ngày càng tăng, càng xa, cùng với đó là sức khỏe người di cư chịu nhiều rủi ro hơn người không di cư, nhất là trong đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đối tượng này lại càng khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, tài chính…

Trong nghiên cứu Tiếp cận thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài trong thời kỳ đại dịch COVID-19 của các chuyên gia Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho thấy, thách thức chính trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của người lao động di cư là thiếu kiến thức về quyền lợi của BHYT (đặc biệt là khi xét nghiệm và điều trị COVID-19), thiếu kiến thức về hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở nước đến, thiếu BHYT, không có thu nhập thường xuyên, không có giấy tờ, không biết tiếng nước mà họ đến làm việc…

đồng tháp.jpg -0
Người dân di cư từ vùng dịch về qua quốc lộ N2, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp được hỗ trợ suất ăn. (Ảnh: TTXVN)

Theo chia sẻ của một nữ công nhân đi xuất khẩu lao động trở về, ngoài lần khám sức khỏe ban đầu khi mới tới công ty, trong 2 năm làm việc, chị không được khám sức khỏe thêm lần nào, dù trước khi đi công ty nói được kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần. 

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, di cư là một sự tất yếu và là động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch COVID-19 hiện nay.Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tếxã hội của đất nước, nhưng cũng chắc chắn là một thách thức tác động lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Không chỉ di cư ra nước ngoài mà hằng năm số người di trong nước cũng ngày càng tăng. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm hơn 7,3% tổng dân số; phần lớn người di cư thuộc nhóm trẻ tuổi từ 20- 39%. Về điều kiện chăm sóc sức khoẻ và cuộc sống phụ nữ di cư có mức sinh thấp hơn phụ nữ không di cư, chất lượng nhà ở, việc làm cũng không bằng người không di cư.

* Đảm bảo người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội

GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dân số gia đình và trẻ em cho rằng, dù di cư trong nước hay ra nước ngoài đều có những khó khăn như nhau, đó là thường có nhiều rủi ro, thiếu thông tin về môi trường mình đến như phong tục, tập quán, khí hậu; khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và tài chính.

GS Cử đưa ra dẫn chứng, tại Việt Nam, giai đoạn 1999 - 2019, mỗi năm dân số tăng 1,2 lần nhưng người di cư tăng 1,5 lần cho thấy tốc độ tăng của người di cư nhanh hơn tốc độ tăng của dân số. Việt Nam sau bùng nổ dân số là tới bùng nổ người dân di cư, và ngày càng đa dạng theo hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Xu hướng di cư chủ yếu từ nông thôn ra thành thị, nơi mật độ dân số cao nên nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm như COVID-19 cao hơn. Bên cạnh đó, có thể do hoàn cảnh, do nhớ nhà, nhớ quê hương... nên hành vi của người di cư có nhiều bất lợi cho sức khoẻ như uống rượu, hút thuốc đều cao hơn người không di cư. Người di cư có sức khoẻ tốt hơn người không di cư nhưng rủi ro của người di cư lại lớn hơn, hay nói cách khác là lực người di cư thì khoẻ nhưng thế lại yếu.

Để tháo gỡ vấn đề này, GS Cử cho rằng, theo nghiên cứu, ở đô thị, người không có hộ khẩu đi khám bệnh ít hơn người có hộ khẩu, có thể nguyên nhân là các quy định hộ khẩu liên quan đến khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, theo điều tra năm 2015, chỉ có 2/3 người di cư có thẻ BHYT. Do đó, cần phải xoá bỏ rào cản hộ khẩu đối với người di cư.

di cứ.jpg -0
Người di cư ở trong hay ngoài nước đều gặp những khó khăn nhất định. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người di cư. Trong đó vấn đề được quan tâm là đảm bảo người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế, dân số. Liên hợp quốc đã thông qua Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Ngày 20/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận nói trên. Tiếp đó, ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5608 để triển khai Thỏa thuận này trong lĩnh vực y tế.

Tháng 5/2021, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật sức khoẻ người di cư bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành các cơ quan Liên Hợp Quốc và các cơ quan trong lĩnh vực sức khoẻ người di cư. Dựa trên các khuyến nghị, Bộ Y tế, IOM và WHO đang xây dựng hành động về sức khoẻ người di cư Việt Nam. Việc thực hiện kế hoạch sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người di cư Việt Nam bằng cách đưa ra các chính sách và tạo ra các dịch vụ y tế đáp ứng được nhu cầu của người di cư.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, trong bối cảnh dịch bệnh, toàn dân khó khăn nhưng với người di cư thì còn khó khăn gấp bội. Đại dịch COVID-19 xảy ra nhanh chưa có tiền lệ nên chúng ta chưa có bài học, do đó Nhà nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người di cư, nhưng vẫn cần sự chung tay của cả nước, người dân, doanh nghiệp vì người di cư luôn là người yếu thế trong hoàn cảnh kinh tế, xa nhà...Bộ Y tế và các bên liên quan hình thành nhóm kỹ thuật hỗ trợ xây dựng chương trình sức khoẻ cho người di cư, đây là điều đáng mừng. Nhưng nhân tố quyết định phải là y tế dự phòng và truyền thông tốt, không chỉ cho người di cư hiểu, người dân hiểu mà cả các cấp, các ngành, địa phương hiểu.

Hoa Hằng
.
.
.