Cạn kiệt vaccine tiêm chủng mở rộng: Vì đâu nên nỗi?

Chủ Nhật, 21/05/2023, 07:05

Nhiều địa phương “kêu” cạn kiệt vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sau khi Bộ Y tế có công văn gửi các địa phương về việc tự mua sắm vaccine này. Theo Bộ Y tế, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách để Bộ Y tế mua sắm vaccine cho chương trình TCMR, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi... mà đề nghị các địa phương thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Nhiều địa phương đứng trước nguy cơ bùng dịch do cạn một số loạt vaccine.

Cạn kiệt do đâu?

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT. Cụ thể, vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) đã hết từ đầu tháng 3/2023, vaccine DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ) hết từ đầu tháng 5/2023.

tcmr.jpg -0
Tiêm chủng mở rộng bảo vệ trẻ em khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Các loại vaccine khác trong chương trình TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Dự kiến đến cuối tháng 5/2023, TP Hồ Chí Minh sẽ hết các loại vaccine viêm gan B, vaccine viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6/2023 sẽ hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7/2023 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; đến tháng 8 /2023 sẽ hết vaccine uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9/2023 sẽ hết vaccine sởi và rubella (MR).

Tình trạng dần khan cạn vaccine của chương trình TCMR cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Cần Thơ, An Giang… Tại Hà Giang, nửa năm nay không có vaccine DPT-VGB-BiB; còn vaccine DPT cũng hết 2 tháng nay khiến người dân phải cho trẻ tiêm dịch vụ.

Những năm qua, từ ngân sách Trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vaccine cho chương trình TCMR, rồi cấp phát về các địa phương. Tuy nhiên, việc gián đoạn cung ứng vaccine xảy ra từ giữa năm 2022, do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá.

Nhiều Sở Y tế địa phương cho biết, vaccine thêm cạn khi theo quy định mới, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, giao về địa phương tự đấu thầu, tự mua theo quy định về phân cấp ngân sách, phục vụ nhu cầu trên địa bàn. Nhiều địa phương lo ngại, giá đầu thầu giữa các tỉnh khác nhau, ví dụ Quảng Ninh mua 10 đồng, Hà Nội mua 9 đồng, có bị cho là “thổi” giá hay không, trong khi tiền mua vẫn là ngân sách.

Các địa phương kêu khó do từ trước tới nay chưa từng thực hiện và cũng chưa tìm được nguồn cung nên rất lúng túng trong thực hiện; địa phương triển khai đấu thầu vaccine cần phải có lộ trình. Nguồn vaccine còn dự trữ đã cạn kiệt, trong khi chưa mua sắm được vaccine mới. Nhiều tỉnh, thành đề xuất phương án Bộ Y tế nên tiếp tục đứng ra mua sắm, tiền mua sẽ do địa phương chi trả.

Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng, điều này không khả thi, bởi Bộ không thể tổ chức đấu thầu tập trung hay đàm phán giá do chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023. Ngoài ra, việc các đơn vị sản xuất vaccine trong nước đang trực thuộc Bộ, nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu tập trung vaccine nội địa cho TCMR.

Còn phương án đặt hàng tập trung những vaccine trong chương trình TCMR để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng, thì hiện chưa có quy định. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vaccine.

Tuy nhiên, để tạm thời gỡ vướng thiếu vaccine, trong khi chưa thể triển khai đấu thầu, mua sắm tại các địa phương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có công văn khẩn gửi các địa phương về việc lập dự trù vaccine chương trình TCMR trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để cung ứng trở lại như trước.

Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu để thiếu vaccine

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, nếu chậm vaccine 1-2 tháng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, tuy nhiên nếu kéo dài rất nguy hiểm nên cần nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong mua sắm vaccine. Trước đây, cũng đã có những đợt dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như sởi, bạch hầu, ho gà…Ngoài ra, còn để lại hệ lụy lớn hơn là người dân mất lòng tin về hệ thống TCMR khi đây vốn là chương trình ý nghĩa mà ngành y tế đã mất nhiều năm để xây dựng được.

Chuyên gia cũng cho hay, việc mỗi tỉnh, thành tự đấu thầu mua vaccine có thể gặp khó trong quy mô, cung ứng, chất lượng khó đảm bảo. Với vaccine của chương trình TCMR, cả nước cùng sử dụng như nhau nên tổ chức đấu thầu tập trung, việc chia nhỏ về từng địa phương là không hợp lý. Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn rõ về việc mua thiết bị y tế, vaccine, theo đó khuyến cáo “càng mua tập trung càng tốt”.

Trước những bất cập nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vaccine, vitamin A…trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức đầu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vaccine dùng trong chương trình TCMR để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, TP, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng. Sau khi đấu thầu tập trung thành công, Bộ Y tế xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra thiếu các loại thuốc, vaccine này.

Với chỉ đạo của Chính phủ đã “gỡ khó” cho các địa phương trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn vaccine đang cạn kiệt, nhằm đảm bảo không bị gián đoạn tiêm chủng cho trẻ, cha mẹ không phải cho con tiêm vaccine dịch vụ.

Trần Hằng
.
.
.