Cần có đãi ngộ xứng đáng với lực lượng y tế tuyến đầu

Thứ Năm, 16/09/2021, 09:29

Hơn 4 tháng kiên cường ở nơi tuyến đầu chống dịch, hàng chục nghìn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã phải gánh một khối lượng công việc khổng lồ, làm việc từ 8-10 tiếng liên tục, có người thường xuyên phải trực cấp cứu tới 12 tiếng, một bác sĩ gánh từ 100-150 bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Đã có hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong số họ đã có người tử vong; nhiều bác sĩ khỏi bệnh ở lại điều trị, chăm sóc F0.

Làm việc liên tục với cường độ cao

Hơn 4 tháng qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam trải qua những thời khắc cực kỳ khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Số ca mắc và tử vong liên tục tăng cao gấp nhiều lần so với các đợt dịch trước đó, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.

Tính đến nay đã có hơn 17 nghìn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên các trường y dược chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong số đó có hơn một nửa là các bác sĩ tuyến Trung ương, có nhiều bệnh viện đã tổ chức đến 5-6 đợt chi viện. Suốt thời gian qua, bác sĩ, nhân viên y tế đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, vất vả, chịu áp lực lớn cả về vật chất và tinh thần, trong đó họ đã hy sinh hạnh phúc gia đình, nhiều bác sĩ, điều dưỡng cha, mẹ mất khi họ đang phải “chiến đấu” nơi tâm dịch, không thể về chịu tang.

Cần có đãi ngộ xứng đáng với lực lượng y tế tuyến đầu -0
Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ ở Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh.
 

Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay, mỗi ngày ghi nhận hơn 10 nghìn ca mắc mới, tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Những ngày qua thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế.

Trong Chương trình tọa đàm “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” mới đây, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: Áp lực đè nặng lên y, bác sĩ và đặc biệt khi có đồng nghiệp hy sinh. Trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực. Tính đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế dương tính.

Có rất nhiều bác sĩ chia sẻ, khi lên đường vào Nam chống dịch, họ đã xác định chặng đường phía trước sẽ rất vất vả, cường độ làm việc cao, thậm chí lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng họ chưa từng nghĩ đến chế độ chính sách mình được đãi ngộ là bao nhiêu, mà chỉ có quyết tâm chiến đấu với dịch đến khi thắng lợi mới trở về.

Vào chi viện Bệnh viện Dã chiến số 12 TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thế Thiêm, nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi cho biết, từ 10/8 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 2.500 bệnh nhân và có 1.730 bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện. Trung bình bệnh viện liên tục tiếp nhận điều trị khoảng 800-900 bệnh nhân và phục vụ công tác điều trị là 74 bác sĩ, nhân viên y tế, mỗi cán bộ y tế được giao theo dõi, điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân. Mỗi ngày chia đều 3 ca 4 kíp, đội ngũ nhân viên y tế xoay vần với cả núi công việc ở 3 phân khu Sàng lọc, Lâm sàng và Cấp cứu.

Vì đây là bệnh viện ở tầng điều trị thứ hai nên số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục, đủ mọi lứa tuổi và nhiều bệnh nhân đi kèm với bệnh nền… cũng là áp lực lớn cho các y, bác sĩ điều trị. Mỗi ca làm việc kéo dài từ 8-10 tiếng trong bộ đồ bảo hộ, thời tiết nóng bức, không uống nước khiến họ bị mất nước nghiêm trọng, tầm quan sát hạn chế, ảnh hưởng đến thần kinh. Khi tháo bộ bảo hộ ra, ai cũng “tắm” trong mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nheo vì nhiều giờ ngâm trong đôi găng cao su, khiến anh em xuống sức rất nhanh.

Đề nghị tăng mức trợ cấp chống dịch

Theo chia sẻ của một số cán bộ y tế bệnh viện tuyến Trung ương, tuy đến nay họ đã vào chi viện cho miền Nam, nhưng vẫn chưa nhận được nguồn phụ cấp khi tham gia chống dịch ở Bắc Giang theo Nghị quyết 16.

Ngoài phụ cấp chống dịch chung, một số địa phương cũng xây dựng chế độ đặc thù cho nhân viên y tế tham gia chống dịch. Như TP Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết số 12 về chính sách đặc thù, hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19, TP sẽ chi hỗ trợ 1 lần cho 5 nhóm đối tượng. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một số bệnh viện chưa nhận được nguồn hỗ trợ cho bác sĩ, nhân viên y tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các ngành cần quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân, Bộ Y tế xây dựng chính sách trợ cấp mới cho nhân viên y tế và trình Chính phủ.

Ngay sau đó, ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có các phụ cấp đặc thù chuyên môn. Bộ Y tế đã có đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, với mức hỗ trợ 600.000 đồng/người/ngày. Các nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... tại cơ sở y tế, xử lý môi trường y tế được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày hiện nay lên mức 400.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển người tử vong do COVID-19, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày hiện nay lên gấp đôi. Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp mức 150.000 đồng/người/ngày đề nghị lên 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Các nhóm đang được trợ cấp mức 130.000 đồng/người/ngày được đề nghị nâng lên mức 200.000 đồng/người/ngày. Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày. Với học sinh, sinh viên tham gia chống dịch, Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ 190.000 đồng/người/ngày cho tiền ăn và sinh hoạt phí.

PGS.TS Phạm Thanh Bình cho biết: Công đoàn Y tế Việt Nam đã có rất nhiều kiến nghị bảo đảm chế độ chính sách cho các y, bác sĩ. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Đó là hỗ trợ dinh dưỡng một triệu đồng/người; Công đoàn Y tế trích hai triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường; đang triển khai 20 nghìn thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ trưởng tặng Bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch. Công đoàn Y tế cũng đề nghị thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là hai tháng/đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. Để giảm stress cho nhân viên y tế tuyến đầu, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện Trung ương là đầu mối để tham mưu.

Tr.Hằng
.
.
.