Cần có chính sách hỗ trợ chăm sóc hậu COVID-19 cho người lao động

Chủ Nhật, 12/06/2022, 08:30

Theo thống kê của Bộ Y tế, có hơn 200 triệu chứng COVID-19 kéo dài đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng hồi phục về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của nhân dân. Đến nay, kể cả ở Việt Nam và trên thế giới đều chưa có những nghiên cứu hoàn chỉnh, quy mô lớn về hậu COVID-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như mức độ và thời gian của triệu chứng có thể  kéo dài.

Đặc biệt cần lưu tâm đến độ tuổi lao động trẻ từ 16-35 vì đây là lực lượng nòng cốt của phát triển kinh tế, phục hồi hậu COVID-19.

Cần có chính sách hỗ trợ chăm sóc hậu COVID-19 cho người lao động -0
Bác sĩ tập phục hồi chức năng cho người hậu COVID-19.

Phòng khám hậu COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang gần đây vẫn tiếp nhận bệnh nhân tới khám. Trong số đó, nhiều người đến khám với triệu chứng hay quên. Chị Phạm Thanh Phương (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Sau khi khỏi COVID-19 khoảng 2 tháng, tôi rất hay quên và buồn ngủ, thường ngủ li bì. Ngoài ra, tôi hay mệt mỏi, thỉnh thoảng khó thở, làm giảm sút khả năng lao động”.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, rất nhiều người đến khám có triệu chứng tương tự, không chỉ người cao tuổi mà người trẻ cũng hay quên, mệt mỏi sau mắc COVID-19. Điều trị hậu COVID-19 thường phải kéo dài. Các bác sĩ không chỉ thăm khám chức năng cho người bệnh, còn phải đưa ra phác đồ điều trị các thể hóa, hướng dẫn bệnh nhân các bài tập liên quan đến thở, ăn uống, dinh dưỡng, vận động, tư vấn tâm lý để bệnh nhân có thể vượt qua stress…

Tại “Báo cáo tóm tắt nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu COVID-19 đối với độ tuổi lao động trẻ Việt Nam” của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nghiên cứu trên 17.000 người dân tham gia chương trình khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 tháng 5/2022 cho thấy, đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 – 5 tháng (68%). Tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhiều hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2. Nghiên cứu tập trung vào khối đối tượng lao động trẻ, độ tuổi từ 16-35 trong tháng 5/2022.

“Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ, …) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở)”, ThS.DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra tỉ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị COVID-19 kéo dài (nữ 64,63% và nam 35,37%), điều này cũng được nêu tại nhiều nghiên cứu trước đó.

Đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng COVID-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền). Tuy nhiên, qua phân tích, nghiên cứu cho thấy đối với bệnh nhân giới tính nam, có thời gian mắc COVID-19 trên 14 ngày, hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.

Theo ông Tú, trong bối cảnh đất nước dần thích nghi với bình thường mới, những triệu chứng hậu COVID-19 hay COVID-19 kéo dài, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ là thách thức mới của ngành Y tế cũng như của đất nước nói chung. Hiện Việt Nam có gần 11 triệu người đã nhiễm COVID-19, với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số, để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động này cũng chính là đảm bảo nguồn lực con người phát triển đất nước, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu COVID-19.

Trần Hằng
.
.
.