Ca nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng do xét nghiệm diện rộng

Chủ Nhật, 29/08/2021, 14:10

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ ngày 19/7 đến nay, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ghi nhận 343.686 ca mắc COVID-19.

 

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với 1.060 xã phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành vào sáng 29/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lý giải số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương hiện đang tăng cường xét nghiệm diện rộng.

So với tuần trước, 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh còn lại cộng lại. 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước là Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Tăng ca mắc trong cộng đồng do các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng -0

 Bạc Liêu tăng cường xét nghiệm diện rộng cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Đánh giá về tình hình tử vong ở TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021.

Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: Triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP Hồ Chí Minh); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ Trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3). Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong.

Tính đến nay, Bộ Y tế đã huy động tổng lực trên 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngoài ra, Bộ Y tế đã điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TP Hồ Chí Minh đã có 6 Trung tâm (Trung tâm thứ 6 đặt tại Bệnh viện Dã chiến đa tầng quận Tân Bình do Bệnh viện Thống Nhất điều hành) với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong. 

 

Tr.Hằng
.
.
.