Ca mắc sốt xuất huyết tăng cao đột ngột, nhiều bệnh viện tại Bình Định quá tải

Thứ Ba, 29/11/2022, 16:48

Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng cao đột ngột, nhiều bệnh viện quá tải, thiếu giường. Ngành y tế tỉnh Bình Định tăng cường các biện pháp phòng chống SXH.

Tây Sơn là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất của tỉnh Bình Định. Tính đến ngày 27/11, trên địa bàn huyện Tây Sơn đã phát hiện có 34 ổ dịch ở 15/15 xã, thị trấn với tổng 1.112 ca. Bà Nguyễn Thị Chín (trú thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) cho biết, ở Tây Sơn lực lượng y tế thường xuyên đi phun thuốc diệt muỗi, hướng dẫn người dân phòng chống nhưng số ca mắc SXH vẫn rất nhiều. Vừa qua, cháu gái bà có biểu hiện sốt cao, sau nhiều lần cho uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi, gia đình cho cháu đi khám, xét nghiệm thì phát hiện cháu cũng đã mắc SXH.

Bệnh viện quá tải do ca mắc sốt xuất huyết tăng cao -0
Số bệnh nhân mặc SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tăng cao.

“Bé bị sốt, gia đình tôi cứ ra mua thuốc uống hạ sốt cho bé uống. Cứ mua uống liên tục trong vòng gần 4 ngày nhưng không thấy khỏi nên cho cháu đi bác sĩ. Bác sĩ xét nghiệm máu, phát hiện bé bị SXH, lúc đó tiểu cầu đã tụt thấp, phải nhập viện gấp ở Bệnh viện đa khoa Tây Sơn. Sáng nay bệnh tiếp tục chuyển nặng họ chuyển gấp xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để cấp cứu. Gây giờ thì tình trạng cháu đã ổn định hơn, có thể ăn một ít cháo rồi”, bà Chín chia sẻ.

Số lượng bệnh nhân mắc SXH tăng cao, số ca chuyển nặng từ các nơi chuyển về khiến cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định quá tải. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường hoặc kê giường xếp nằm để điều trị bệnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết bệnh viện tiếp nhận số ca mắc SXH chuyển nặng ở TP Quy Nhơn và một số huyện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều ca chuyển nặng từ các huyện lân cận của các tỉnh Phú Yên, Gia Lai chuyển đến.

Số giường thực kê ở khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là 145 giường, nhưng theo thống kê vào ngày 28/11 có tới 244 bệnh nhân. Trung bình tại Khoa Nhi một ngày có 50 bệnh nhân đến nhập viện điều trị. Trong số bệnh nhân tiếp nhận thì có khoảng 20 bệnh nhân mắc SXH và có 30 phần trăm trong đó là số ca chuyển nặng. Riêng trong sáng 28/11, số ca sốt xuất huyết ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lên đến 78 ca, trong có có 25 ca chuyển nặng. Phần lớn những ca SXH dengue nặng biểu hiện chủ yếu là sốc, sốc nặng; một số trường hợp tổn thương gan, men gan tăng trên 1.000…

“Năm nay có tình trạng bệnh nhân đi vào sốc sớm, những ngày sau đó là thoát huyết tương dẫn đến điều trị gặp khó khăn do thoát huyết tương kéo dài, bù dịch kéo dài gây quá tải dịch. Thoát huyết tương ra các khoang màng phổi, màng bụng gây tình trạng suy hô hấp, chưa kể thoát vô các khoảng kẻ cũng gây tình trạng suy hô hấp. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao phải đến cơ sở y tế để được khám sớm, tư vấn sớm để phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển nặng. Khi phát hiện sớm thì tỉ lệ điều trị thành công cao”, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khuyến cáo.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, hiện nay bệnh SXH trên địa bàn tỉnh không chỉ phổ biến ở khu vực thành phố, đồng bằng mà còn tăng nhanh ở khu vực miền núi. Tính đến ngày 27/11, toàn tỉnh Bình Định phát hiện, xử lý 311 ổ dịch, 5.617 ca mắc sốt xuất huyết ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Số mắc SXH bắt đầu tăng từ tháng 5 sau đó giảm nhẹ và tiếp tục tăng từ tháng 9, tăng mạnh trong tháng 10 đến nay. Dự báo ca bệnh vẫn tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào tháng 11, tháng 12. Khả năng lây truyền bệnh có nguy cơ tăng do trên địa bàn hiện nay đang tồn tại cả 2 loài véc tơ truyền bệnh SXH dengue. Bên cạnh đó mức độ tăng khả năng chịu đựng của muỗi Aedes đối với hóa chất diệt ngày càng phổ biến làm giảm hiệu quả xử lý.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hoá chất diệt muỗi chủ động phòng, chống dịch SXH tại 24 xã, phường trọng điểm. Thực hiện giám sát đồng bộ SXH. Tổ chức điều tra, xác minh và xử lý kịp thời các ổ dịch, đến nay 100% ổ dịch đều được xử lý. Nhờ tích cực xử lý ổ dịch và chủ động xử lý các điểm nguy cơ phát sinh dịch nên đến nay cơ bản dịch SXH được kiểm soát”, ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho hay.

Diễm Phúc
.
.
.