Ca mắc COVID-19 gia tăng, lo ngại về biến thể phụ mới
Trong 1 tuần lại đây, ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam tiếp tục tăng, thậm chí trong 3 ngày liên tiếp ca mắc mới đều vượt mốc 2.000 F0.
Theo Bộ Y tế, ngày 4/8, Sở Y tế Hải Phòng bổ sung thêm 402.830 F0 và ngày 6/8, Sở Y tế Thái Nguyên bổ sung 152.485 F0.
Tính đến nay, Việt Nam có 11.346.137 ca nhiễm COVID-19, đã có 9.964.533 người được chữa khỏi.
Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2, đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Do vậy, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5 tại các địa phương phía Nam và các biến thể này dần chiếm ưu thế. Hiện nay, số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn, số ca mắc đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua, nếu không làm tốt công tác phòng dịch, ca mắc tiếp tục tăng cao có thể gây quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng sẽ tăng và tử vong sẽ tăng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" rất lớn khi cùng lúc một số dịch bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng đang gia tăng. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn...
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang theo dõi một biến thể đáng quan tâm mới đang lây lan trong vài tuần tại Mỹ mang tên BA.4.6. Đây là biến thể phổ biến ở 4 khu vực, chiếm tỷ lệ ca mắc mới lên tới 10,7%. Các biến thể được xếp vào nhóm đáng lo ngại khi chúng cho thấy khả năng lây truyền cao hơn, giảm hiệu quả điều trị, tăng mức độ nghiêm trọng hoặc giảm khả năng trung hòa từ các kháng thể.
Bắt đầu từ ngày 1/8, CDC Mỹ thêm BA.4.6 vào danh sách các biến thể phải theo dõi hàng tuần.
Theo Bộ Y tế, để dịch COVID-19 không bùng phát trở lại, nguy cơ "dịch chồng dịch" không xảy ra, các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm đủ mũi 2 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo các chuyên gia, biến thể phụ mới có khả năng xâm nhập khi hoạt động giao thương, phát triển kinh tế đã bình thường trở lại. Vì vậy, phải tiếp tục tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19 để đánh giá, phân tích các yếu tố nguy cơ, chủ đông triển khai các biện pháp đáp ứng cho mọi tình huống có thể xảy ra.