Bùng phát dịch cúm tại nhiều trường học

Thứ Hai, 04/12/2023, 08:28

Nửa tháng trở lại đây, tại nhiều trường học ở Hà Nội xuất hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt và phải nghỉ học do cúm A và B. Dịch cúm dễ lây lan, đặc biệt trong lớp học, tạo thành những ổ dịch. Có lớp sĩ số vắng tới gần một nửa học sinh do các em nghỉ học vì bị cúm. Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng do cúm A, B, sốt virus, viêm phổi…

Gần nửa lớp phải nghỉ học

Theo chia sẻ của chị Trần Thị Hằng (Tây Hồ, Hà Nội), cách đây 20 ngày, chị mắc cúm A với biểu hiện đau rát họng, sốt, nhức mỏi người. Sau khi chị khỏi, con gái và con trai chị cũng xuất hiện biểu hiện trên, đặc biệt con gái chị sốt cao 3 ngày liên tiếp. Test nhanh cả hai đều dương tính với cúm A. “Sau sốt, cháu gái bắt đầu ho dai dẳng, kéo dài. Hơn 1 tuần sau, cháu lại sốt cao 39,5 độ, tôi nghĩ con mắc sốt xuất huyết nên cho đi bệnh viện khám. Kết quả con mắc cúm B. Tôi khá bất ngờ khi con liên tiếp mắc cả cúm A và B, bác sĩ giải thích vừa mắc cúm A xong vẫn có thể mắc lại cúm A và cúm B”, chị Hằng cho biết.

Bùng phát dịch cúm tại nhiều trường học -0
Virus cúm dễ lây trong môi trường lớp học. Ảnh minh họa

Theo chị Hằng, con gái chị đã nghỉ học 3 buổi, trong lớp có nhiều bạn mắc cúm A, B, sốt, ho phải nghỉ học. “Các con đến lớp ho như “dàn đồng ca”, cô giáo yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang đến lớp, sát khuẩn tay thường xuyên. Ngày 2/12, cả lớp có 12 bạn nghỉ học vì mắc cúm A-B, trước đó buổi học tăng cường chiều thứ 6 cô cho cả lớp nghỉ vì lý do thời tiết và các con ốm nhiều”, chị Hằng nói.

Theo một giáo viên Toán ở quận Tây Hồ, lớp học của anh, học sinh xin nghỉ gần một nửa vì mắc cúm A và B. Để đảm bảo phòng chống dịch, giáo viên yêu cầu 100% học sinh đến lớp đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, lớp học cũng được phun khử khuẩn thường xuyên. “Các con lây nhau rất nhanh, nhiều con ho, không đeo khẩu trang đã lây sang các bạn bên cạnh”, thầy giáo cho biết.

Tại một lớp ở Trường THCS Thanh Xuân ngày 1/12 có non nửa lớp học sinh phải nghỉ học về nhà vì triệu chứng mệt, ho, sốt. “Con trai tôi sốt, đau họng đã hai hôm, test nhanh thì dương tính với cúm A. Mấy ngày nay, trong lớp liên tục có bạn xin nghỉ vì sốt”, một phụ huynh có con đang học ở đây cho biết.

Những ổ dịch cúm bắt đầu xuất hiện ở lớp học, trường học. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết lạnh vào mùa đông làm các bệnh lây truyền theo đường hô hấp phát triển và lây lan trong đó có bệnh cúm. Bên cạnh đó sức đề kháng của con người cũng kém hơn về mùa lạnh (nhất là thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa). Đồng thời, đi lại nhiều, giao lưu, tụ tập nhiều cũng làm gia tăng bệnh cúm.

“Mỗi năm có một chủng cúm khác nhau, người mắc cúm năm nay thì sang năm tới vẫn mắc lại. Hay vừa mắc cúm A, lại mắc tiếp cúm B cũng là bình thường. Kể cả mắc cúm A hai lần trong năm cũng có xảy ra vì mắc cúm chủng này lại có thể mắc cúm chủng khác. Đặc biệt, trong môi trường lớp học đông người, cúm lây lan rất nhanh khi có nguồn bệnh”, ông Phu cho biết.

Gia tăng dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện gia tăng. Theo BS Đỗ Hoàng Hải, Phòng Điều trị tích cực, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, các phòng trong Trung tâm lúc nào cũng kín giường, bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị rất nhiều.

Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi virus RSV, trong đó có bệnh nhi chưa đầy 1 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy. RSV không chỉ gây suy giảm miễn dịch, mà còn chuyển biến nhanh dẫn đến biến chứng nặng và còn hay đồng nhiễm hơn các loại virus khác. Vì thế, nhiều trường hợp bội nhiễm, bác sĩ phải cho dùng kháng sinh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng viêm đường hô hấp do virus RSV sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chủng cúm thay đổi hàng năm và không có miễn dịch chéo, 1 người vẫn có thể mắc cúm A rồi lại mắc cúm B hoặc cùng mắc cúm A nhiều lần vì cúm A có nhiều chủng. Vì vậy theo khuyến cáo phải tiêm vaccine cúm hàng năm và vaccine cũng được sản xuất trên cơ sở thay đổi chủng hàng năm để đáp ứng miễn dịch. “Mắc cúm phần lớn bệnh tự khỏi, không nhất thiết phải đi viện, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, biến chứng thường thấy nhất của cúm A là suy hô hấp, viêm tai, viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não, bội nhiễm… gây nên những hệ luỵ về sau và khó điều trị, thậm chí gây tử vong, nên khi có dấu hiệu chuyển nặng phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, đặc biệt lưu ý với người già, người có bệnh nền”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, thời tiết chuyển lạnh phải lưu ý bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy mùa đông do virus…, các bệnh có vaccine tiêm chủng mà chưa tiêm đầy đủ cũng có thể bùng phát như bạch hầu, ho gà, sởi...

Để phòng tránh bệnh cúm lây lan trong các trường học, ông Phu khuyến cáo phụ huynh và nhà trường khi có học sinh bị cúm có thể cho học sinh đó nghỉ học. Để phòng bệnh cho các học sinh khác có thể đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, lau chùi khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ học tập..., ăn uống tăng cường và giữ ấm cho trẻ để tăng khả năng chống đỡ với bệnh tật và tiêm vaccine phòng cúm sớm, không nên để dịch xảy ra mới tiêm không đem lại hiệu quả.

Trần Hằng
.
.
.